Hồi đầu tháng, Singapore chỉ ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, nhưng con số này giờ đây đã vượt 11.000. Gần 80% số ca nhiễm liên quan đến lao động nhập cư sống trong 43 ký túc xá lớn trên cả nước. Nhưng điều đáng lo ngại không kém là ngoài các ký túc xá này, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn diễn ra, mặc dù Singapore đã phong tỏa hai tuần, đóng cửa trường học và khuyến cáo người dân ở nhà.
Một thống kê đặc biệt đáng lo ngại: Singapore chỉ tìm thấy nguồn lây nhiễm của 17 trong số 25 ca nhiễm mới hàng ngày trong số công dân Singapore hoặc thường trú nhân, không phải lao động nước ngoài sống trong ký túc xá. Điều này có nghĩa là khoảng 68% trường hợp lây lan trong cộng đồng được coi là "mất dấu F0", khiến nhiều người nghi ngờ còn rất nhiều chuỗi lây nhiễm chưa bị phát hiện.
Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 21/4 cảnh báo về khả năng này khi gia hạn các biện pháp "cầu dao" để ngắt mạch dịch cho đến ngày 1/6.
Có hai cách giải thích cho trường hợp mất dấu F0. Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong nói rằng ca F0 có thể có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên họ không bị phát hiện. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Anh ngày 2/4 cho thấy 78% trong số 166 ca nhiễm mới không có triệu chứng. Các nhà nghiên cứu Singapore cũng phát hiện người nhiễm có thể lây virus cho người khác trước khi có triệu chứng.
Cách giải thích thứ hai là trong một số trường hợp, các nhà điều tra dịch tễ chưa tìm hiểu đầy đủ lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân, do hạn chế về thời gian hoặc do bệnh nhân không cung cấp đủ thông tin chi tiết. Tình trạng này có thể được khắc phục nếu điều tra kỹ lưỡng hơn.
Hồi tháng hai, chính quyền phải mất 4 tuần để phát hiện ổ dịch tại một nhà thờ có liên quan đến nhóm người đi lễ ở một nhà thờ khác. Các du khách Trung Quốc đã đến một nhà thờ vào ngày 19/1. Một cặp vợ chồng cũng đến nhà thờ này, sau đó tới một buổi liên hoan gia đình vào dịp Tết Nguyên đán ngày 25/1, có sự tham dự của một nhân viên tại nhà thờ khác. Từ ngày 15 đến 21/4, giới chức phát hiện ra nguồn lây nhiễm cho 918 trường hợp mất dấu F0 trước đó.
Tuy nhiên, việc truy vết tiếp xúc trở nên khó khăn hơn khi ngày càng có nhiều trường hợp cần theo dõi. "Khi số ca nhiễm mới hàng ngày còn ít, chúng ta có thể điều tra và giám sát sâu hơn nhiều", Teo Yik Ying, hiệu trưởng trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.
"Vì số lượng ca mới hàng ngày trong hai tuần qua đã tăng đáng kể, nỗ lực truy vết tiếp xúc trở nên khó khăn hơn. Cơ sở dữ liệu ngày càng mở rộng và mọi trường hợp nhiễm mới đều phải được đối chiếu với nó", ông nói thêm.
Singapore đã bổ sung nhân lực cho nhiệm vụ này. Ngày 10/2, nhóm phụ trách truy vết tiếp xúc chỉ gồm 70 người làm việc theo ca 7 ngày một tuần, nhưng giờ đây 1.300 quân nhân đã được huy động nhập cuộc. Các nhà điều tra phỏng vấn từng người nhiễm về lịch sử hoạt động và những người họ đã gặp trong 14 ngày trước đó, sau đó gọi cho từng người để tìm hiểu thêm và xác định xem họ có phải là người "tiếp xúc gần" cần cách ly hay không.
Hàn Quốc cũng tập trung vào truy vết tiếp xúc nhưng ít tốn công sức hơn. Họ sử dụng hồ sơ y tế, dữ liệu giao dịch thẻ tín dụng, camera an ninh và dữ liệu định vị điện thoại di động để thực hiện hoạt động này.
Các biện pháp "cầu dao" được chính phủ Singapore triển khai đã giúp giảm lây lan trong cộng đồng. Trong tuần trước khi gói biện pháp này được triển khai ngày 7/4, Singapore ghi nhận trung bình 39 trường hợp mỗi ngày ngoài ký túc xá của lao động nước ngoài. Trong tuần qua, con số này giảm xuống còn 25 ca.
Một tin tốt khác là ca nhiễm mất dấu F0 đang được phát hiện sớm hơn. Theo Bộ Y tế Singapore, những trường hợp này được tìm thấy và cách ly khỏi cộng đồng 3,5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, nhanh hơn mức 11,5 ngày vào đầu tháng hai. "Điều này có nghĩa là chúng tôi đang cách ly ngày càng sớm hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm tiếp trong cộng đồng", Leong nói.
Teo hy vọng việc kéo dài biện pháp "cầu dao", bằng cách yêu cầu nhiều người ở nhà hơn, đóng cửa thêm công sở và hạn chế số lượng nhân viên trong các dịch vụ thiết yếu, sẽ giúp chính quyền xác định những chuỗi lây nhiễm còn "ẩn nấp". Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong ngày 21/4 giải thích nhiều ca lây nhiễm được phát hiện sau khi "cách biệt cộng đồng" liên quan đến nhân viên trong các dịch vụ thiết yếu. Do đó, giới chức phải giảm nhân sự ở các dịch vụ này.
Giới chức cũng hy vọng rằng biện pháp "cầu dao" sẽ giúp giảm cả số ca nhiễm nói chung và các trường hộ mất dấu F0 nói riêng. Việc giảm ca mất dấu F0 sẽ cho thấy nỗ lực truy dấu tiếp xúc và phát hiện ca nhiễm mới có hiệu quả.
"Các chuyên gia nhất trí rằng khả năng nhanh chóng truy vết tiếp xúc và cách ly là yếu tố quyết định một quốc gia có đối phó dịch hiệu quả không", bình luận viên Kok Xinghui của SCMP viết. "Điều này sẽ giúp Singapore và các quốc gia khác xác định chiến lược nới lỏng phong tỏa và tái mở cửa nền kinh tế".
Phương Vũ (Theo SCMP)