Theo thống kê quý IV/2022 của Counterpoint Research, Apple vươn lên dẫn đầu thị phần smartphone toàn cầu với 23%, đẩy Samsung xuống thứ hai với 19%. Xếp thứ ba là Xiaomi từ Trung Quốc.
Mỹ là một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Năm 2011, chỉ 35% người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh, nhưng 10 năm sau con số đã lên 85%. Tuy vậy, danh sách sản phẩm gần như không có mặt của Xiaomi.
Xiaomi sản xuất nhiều đồ điện tử và gia dụng, từ xe tay ga điện, đồng hồ và tai nghe nhét tai cho đến hộp giải mã tín hiệu, máy cạo râu, máy hút bụi, nồi cơm điện. Trong đó, smartphone của hãng được đánh giá là có chất lượng hoàn thiện tốt cùng mức giá rẻ và hiện có mặt ở hơn 50 quốc gia.
Từng xuất hiện chóng vánh tại Mỹ
Tháng 2/2016, US Mobile, nhà khai thác mạng di động ảo (MVNO) trên hạ tầng viễn thông của T-Mobile, thông báo bán một số mẫu điện thoại của Xiaomi và Meizu. Trang chủ nhà mạng cũng đăng các model mới, trong đó có Mi Mix với màn hình tràn ba cạnh.
Nhưng sau chưa đến 24 tiếng, T-Mobile dừng bán với lý do điện thoại Xiaomi cần trải qua "thủ tục chứng nhận bổ sung". Sau đó, đại diện Xiaomi ra thông báo họ chưa cho phép US Mobile bán hàng, hành động của nhà mạng này là tự phát. Công ty cũng khẳng định chưa có kế hoạch với các nhà phân phối ủy quyền về việc bán điện thoại của họ trong tương lai.
Sau đó, smartphone Xiaomi chỉ còn được bán qua đường xách tay hoặc qua các trang thương mại điện tử như Amazon, eBay. Tuy nhiên, tại Mỹ, hãng vẫn bán chính hãng nhiều sản phẩm thuộc hệ sinh thái smarthome, thiết bị đeo, đồ gia dụng.
Tháng 1/2021, trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, Xiaomi bị đưa vào danh sách đen với lý do là "công ty quân sự Trung Quốc". Động thái này được cho là đã "bít cửa" Xiaomi ở mảng smartphone tại nước này, dù sau đó họ đã được đưa ra khỏi danh sách cấm.
Những lý do chính
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến Xiaomi kém mặn mà với thị trường Mỹ dù nước này có tỷ lệ sử dụng smartphone hàng đầu thế giới. Trong đó, lý do chính liên quan đến mô hình kinh doanh.
Xiaomi hiện cam kết chỉ thu 5% lợi nhuận từ việc bán thiết bị di động, trong đó có smartphone. Số tiền cao hơn sẽ dùng vào các mục đích nghiên cứu, tăng tính năng và giảm giá sản phẩm. Chiến lược này hiện phát huy hiệu quả ở nhiều nơi, như Trung Quốc, châu Á, châu Phi và một số nước châu Âu.
Dù vậy, mô hình này không thích hợp tại Mỹ, nơi nhà mạng thống trị và người dùng mua smartphone kèm hợp đồng nhà mạng. "Đi theo con đường nhà mạng không đem lại lợi ích tốt nhất cho Xiaomi, vì sẽ đòi hỏi nhiều khoản đầu tư và tăng đáng kể chi phí hoạt động", trang công nghệ Android Central giải thích.
Năm ngoái, Phó chủ tịch Xiaomi Hugo Bara cũng nói: "Các thương hiệu cần có sự hợp tác của nhà mạng để thâm nhập vào Mỹ. Xiaomi chưa sẵn sàng làm điều đó". Công ty sẽ phải đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực và tiền bạc để cơ cấu lại mô hình kinh doanh, cũng như thay đổi suy nghĩ của người dùng Mỹ, nhất là khi các công ty Trung Quốc chưa nhận được thiện cảm ở đây.
OnePlus từng làm điều tương tự. Từ năm 2010 đến 2018, họ bán smartphone tại Mỹ dưới dạng mở khóa nhưng doanh số rất thấp. Sau đó, công ty hợp tác với T-Mobile nên doanh số tăng mạnh, đạt kỷ lục năm 2021, là một trong những công ty nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao.
Lý do thứ hai liên quan đến vấn đề chính trị. Sau hàng loạt cái tên xâm nhập thị trường Mỹ rồi bị chặn, Xiaomi không muốn là nạn nhân tiếp theo. "Sau những gì xảy ra với Huawei, ngay cả khi Mỹ mở cửa, khó có thương hiệu Trung Quốc nào dám mạo hiểm đầu tư mạnh vào một thị trường mà ngày nào đó họ có thể bỗng nhiên bị cấm", Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của IDC, nhận xét.
Xiaomi cũng bị đánh giá khó cạnh tranh với Apple, Samsung. "Bất kỳ thương hiệu nào cũng khó phá vỡ thế độc quyền của Samsung và Apple, nơi họ chiếm 80% thị trường. Khả năng cạnh tranh tại Mỹ của một thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi không cao", Popal nói.
Năm ngoái, Xiaomi cũng xác nhận chưa có kế hoạch đưa smartphone tới Mỹ. "Mỹ là một thị trường rất quan trọng, nhưng chúng tôi không có bất kỳ mốc thời gian bán smartphone cụ thể nào", đại diện Xiaomi nói.
Bảo Lâm