Đầu tháng 5, BioNTech, nhà sản xuất vaccine Covid-19 do Pfizer phát triển, tuyên bố đặt dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mARN tại Singapore. Hãng dược Đức kỳ vọng cơ sở đầu tiên tại châu Á sẽ xuất xưởng "hàng trăm triệu" liều mỗi năm. Dự án không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của BioNTech nhằm đáp ứng nhu cầu vaccine và điều trị bệnh truyền nhiễm lẫn ung thư, mà còn đảm bảo khả năng phản ứng nhanh với những đại dịch khác trong tương lai.
Ngoài nhà máy sản xuất, BioNTech khẳng định trụ sở chính khu vực châu Á sẽ đặt tại Singapore. Việc xây dựng dự kiến khởi động trong năm 2021 và có thể đi vào hoạt động vào đầu năm 2023. Đây là lần đầu tiên BioNTech đặt nhà máy ngoài lãnh thổ Đức và đặt văn phòng ngoài châu Âu hoặc Mỹ.
Dù CEO Ugur Sahin không nói cụ thể loại sản phẩm được sản xuất ở Singapore, Wall Street Journal và Bloomberg cho rằng dây chuyền công nghệ mARN ở nước này là để sản xuất vaccine Covid-19 của Pfizer.
Đảo quốc đã tiên phong tiếp cận Pfizer/BioNTech ngay từ những ngày đầu. CEO Ugur Sahin xác nhận hai bên đã bắt đầu thảo luận đầu tư "hơn một năm trước". Họ là nước đầu tiên ở châu Á cấp phép tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine Pfizer và là điểm đến của lô vaccine Pfizer/BioNTech đầu tiên cho khu vực vào tháng 12/2020.
Giới lãnh đạo Singapore đã sớm hoạch định chiến lược tiêm vaccine Covid-19 không dừng ở việc mua vaccine mà đặt tầm nhìn xa hơn là kéo dây chuyền sản xuất về nước. Phát biểu vào ngày 14/12/2020, Thủ tướng Lý Hiển Long xác nhận Singapore đã âm thầm làm việc với hàng trăm đối tác từ những ngày đầu đại dịch để đảm bảo tiếp cận vaccine.
"Công việc không hề dễ dàng. Vào thời điểm đó, hơn 200 vaccine tiềm năng đang được phát triển và không phải ứng viên nào cũng thành công", ông nói.
Theo nhà lãnh đạo 69 tuổi, Singapore đã sớm trao đổi với nhiều công ty dược, tìm hiểu công nghệ và xác định đâu là ứng viên sáng giá, có khả năng sản xuất sớm nhất. Chính phủ Singapore đã "đánh cược hàng loạt" với tổng giá trị hơn một tỷ USD để đặt mua trước và cọc tiền sớm cho các ứng viên triển vọng, gồm cả Moderna, Pfizer/BioNTech và Sinovac. Phương án thuyết phục các hãng dược đặt cơ sở sản xuất ở đảo quốc sư tử cũng được tính đến vào thời điểm đó.
Thông điệp được Bộ trưởng Công Thương Chan Chun Sing tái khẳng định vào ngày 5/4, gần một tháng trước tuyên bố từ BioNTech. "Singapore có mảng sản xuất dược mang tính cạnh tranh toàn cầu. Các hãng được Amgen, Pfizer, GSK và Sanofi đã đầu tư tận dụng nguồn nhân lực kỹ thuật cao, quyết tâm nghiên cứu và phát triển, năng lực sản xuất mạnh mẽ và khả năng kết nối toàn cầu của chúng ta", ông nhấn mạnh.
Ryan Richardson, lãnh đạo bộ phận hoạch định chiến lược cho BioNTech, thừa nhận Singapore được chọn vì nền tảng lý tưởng cho phát triển công nghệ y sinh. Ông mô tả đảo quốc giữ vị thế cầu nối sáng tạo toàn cầu, nguồn nhân tài phù hợp và "môi trường kinh doanh hoàn hảo" để hãng dược đặt tổng hành dinh tại khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi xem đây là cuộc đầu tư công nghệ sinh học dài hạn, vượt khỏi Covid-19", CEO Ugur Sahin khẳng định.
Những năm gần đây, Singapore đã chủ động đầu tư quyết liệt cho mảng y sinh và dược phẩm, thuyết phục nhiều cái tên lớn hợp tác phát triển. Abbott, Agmen, GlaxoSmithKline, Lonza, MSD, Novartis, Sanofi và Pfizer đều có cơ sở sản xuất ở nước này. Trong đó, Pfizer đã xây nhà máy sản xuất dược chất (API) trong khu công nghệ y sinh Tuas từ năm 2003.
Sanofi, một trong những đối tác được nhượng quyền sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech, tháng 4 tuyên bố rót hơn 480 triệu USD vào Singapore để xây trung tâm sản xuất vaccine. Novartis, một đối tác sản xuất khác của Pfizer/BioNTech, cũng chọn Singapore làm địa điểm đặt cơ sở sản xuất công nghệ sinh học đầu tiên tại châu Á. Tháng 10/2020, Thermo Fisher Scientific, được Bộ trưởng Chan Chun Sing mô tả là "một trong những công ty lớn nhất thế giới trong mảng khoa học sự sống", đã xúc tiến xây dựng nhà máy phát triển và sản xuất vaccine với mức đầu tư 130 triệu USD.
Việc Singapore thuyết phục thành công BioNTech cập bến là hệ quả của một quá trình dài hơi. Trong bài phỏng vấn với Industry Week vào năm 2015, cựu giám đốc mảng khoa học y sinh và người tiêu dùng thuộc Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), cho biết đảo quốc đã nhận thấy công nghệ sinh học mang tầm quan trọng ngày một lớn từ đầu thập niên 2000. Từ thời điểm đó, Singapore đã xem đây là mũi phát triển cần tập trung cho nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, khuyến khích đầu tư.
Trả lời South China Morning Post vào tháng 5, Phó chủ tịch EDB chuyên trách mảng y tế Goh Wan Yee nhấn mạnh các công ty dược còn được thu hút bởi mạng lưới khởi nghiệp công nghệ y tế và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, theo Selena Ling, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu tài chính và chiến lược tại ngân hàng OCBC, các tập đoàn quốc tế tin tưởng chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa bảo hộ vaccine sẽ không xảy ra tại đảo quốc này. Bà nhấn mạnh Singapore từ lâu đã chứng minh họ "hoạt động rất minh bạch và tuân thủ nghiêm luật lệ quốc tế".
Dù thỏa thuận xây nhà máy sẽ thúc đẩy BioNTech chuyển thêm vaccine đến Singapore, câu chuyện chuyển giao công nghệ và sản xuất không giải quyết nhu cầu chống dịch trước mắt của đảo quốc sư tử. Nhà máy dự kiến sớm nhất phải gần hai năm sau mới đi vào hoạt động. Công nghệ vaccine mARN phức tạp đến mức, khi BioNTech mua lại nhà máy của Novartish tại Đức hồi tháng 9/2020, họ mất hơn 6 tháng để xuất xưởng lô vaccine thương mại đầu tiên. Khi Pfizer mang công nghệ sản xuất công nghiệp về Mỹ, hãng dược cũng mất gần 8 tháng để guồng máy hoạt động.
Bộ trưởng Chan Chun Sing ngày 12/5 nhấn mạnh dự án không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của Singapore về vaccine. Quan hệ đối tác với BioNTech và các hãng dược hướng đến những nhu cầu tương lai, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khu vực lẫn toàn cầu không chỉ liên quan đến đại dịch.
"Chúng ta cũng không biết Covid-19 sẽ kéo dài đến khi nào. Nhà máy vận hành càng sớm, chúng tôi sẽ càng đóng góp được nhiều hơn cho khu vực và thế giới", ông nói.
Trung Nhân