Nhiều người trong chúng ta thích dạo qua cửa hàng ăn nhanh hay tới những khu sang trọng. Chúng ta dành nhiều thời gian đế nghĩ và nói về các món ăn. Nhưng nếu như bạn không thể nhìn thấy những món ăn trước mặt mình để đưa ra cảm nghĩ thì sao?
Theo Fdfworld, những người khiếm thị phải sử dụng các giác quan khác khi ngồi ăn và điều này sẽ giúp họ cảm nhận tốt hơn về thực phẩm. Trong các chương trình truyền hình nổi tiếng, như The Ellen Show, khách mời cũng đã có trải nghiệm tương tự khi hoàn toàn không nhìn thấy đồ ăn đặt trước mặt.
Khi bạn vào những nhà hàng ăn trong bóng đêm, ánh sáng đèn điện sẽ được giảm xuống mức tối nhất. Mắt của bạn sẽ bị che bởi mặt nạ. Bạn cũng được yêu cầu tắt mọi nguồn sáng, bao gồm cả điện thoại và máy ảnh, để có được trải nghiệm thật nhất có thể.
Bạn sẽ được phục vụ bởi một người bồi bàn mù hoặc khiếm thị. Món ăn đặt trước hoặc một món bất ngờ trong thực đơn sẽ được đem ra. Bạn có thể sử dụng dao dĩa tùy ý.
Tại sao nhà hàng bóng đêm được mở ra?
Mô hình nhà hàng này được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1990 ở châu Âu trước khi phổ biến trên toàn thế giới. Điều này làm cho công chúng ý thức và cảm thông hơn về cuộc sống của những người khiếm thị. Việc ăn uống trong bóng tối sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm thực tế và chính xác nhất.
Ở Paris (Pháp), lần đầu tiên khách được trải nghiệm bữa tối trong đêm là tại nhà hàng Le gout du noir (Hương vị trong đêm). Nhà hàng Blind Kuh với cách thức phục vụ tương tự được mở tại Zurich, Thụy Sỹ vào năm 1999. Vào năm 2003, ông Edouard de Broglie đã tạo ra chuỗi nhà hàng trong bóng đêm đầu tiên.
Tại sao lại chọn ăn bữa tối trong đêm?
Một trong những trải nghiệm thú vị nhất là bạn sẽ phải đối mặt với việc chọn một "thực đơn không lường trước" và bạn sẽ phải dự đoán xem mình đang ăn món gì.
Đây là một thử thách đối với khách hàng khi họ không thể sử dụng thị giác, bởi vậy các giác quan khác sẽ trở nên nhạy bén hơn. Bạn sẽ bước ra khỏi ranh giới của chính mình và có đánh giá tốt nhất về khả năng cảm nhận của mình.
Tuy nhiên, có những ý kiến chê trách mô hình nhà hàng như trên vì lo sợ trải nghiệm này sẽ khiến cho xã hội có cái nhìn tiêu cực về người khiếm thị. Họ cho rằng còn có những hoạt động khác có ích hơn để giúp cho người khiếm thị hòa nhập với cuộc sống.
Chính Nghĩa