13h30 ngày 20/9, Thanh Tâm có mặt tại trường tiểu học Chu Văn An trên phố Thụy Khuê, Hà Nội để xếp hàng mua bánh Trung thu truyền thống của một thương hiệu có tiếng ở thủ đô. Phía trước Tâm là khoảng 200 người cũng đang chờ, dù cô đã đến sớm 30 phút so với giờ mở bán.
"Mình chưa ăn bánh Trung thu truyền thống bao giờ, nhưng được bạn rủ nên cũng đi theo", cô gái 23 tuổi, nhà ở Trần Duy Hưng, chia sẻ. Đứng đợi cả tiếng đồng hồ, nhưng khi đến lượt mình, Tâm được thông báo hết bánh.
Cô là một trong số hàng ngàn người Hà Nội đã xếp hàng để mua bánh Trung thu của các thương hiệu truyền thống nổi tiếng trong dịp lễ năm nay. Trước đó, một cửa hàng bán bánh ở Thụy Khuê đã phải tạm đóng cửa vì lượng khách đổ về quá đông, không đảm bảo quy định giãn cách.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở TP HCM hay Hải Phòng, trước cửa các hiệu bánh lâu đời.
Bánh Trung thu truyền thống là món ăn mang giá trị tinh thần lớn đối với nhiều người, vì vậy, họ chấp nhận vất vả xếp hàng giữa mùa dịch.
Anh Hùng, 34 tuổi, ở Mai Dịch, là khách hàng trung thành của loại bánh Trung thu cổ truyền. Những chiếc bánh nướng thập cẩm có phần nhân làm từ lá chanh, hạt dưa, hạt sen, vừng, lạp xưởng... đã trở thành món ăn không thể thiếu với gia đình anh mỗi dịp rằm tháng Tám. "Tết Trung thu thì phải có bánh truyền thống mới đúng không khí", người đàn ông cho biết.
Ở TP HCM, bánh Trung thu Như Lan là thương hiệu hiếm hoi được mở bán trực tiếp trong thời gian thành phố vẫn thực hiện giãn cách xã hội. Ngày 17/9, Bích Ngọc, 28 tuổi, lặn lội từ quận Bình Thạnh đến cơ sở Như Lan ở quận 3 định mua một hộp bánh. Đến nơi, Ngọc nhận ra cô không có cơ hội. Trước cửa hàng dán thông báo chỉ bán cho dân phòng, bộ đội, nhân viên y tế và người mua hộ với số lượng lớn. Trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, khoảng 30 người đang đứng xếp hàng chờ đến lượt. "Khá là tiếc vì năm nào cũng ăn bánh Trung thu Như Lan, năm nay thì lỡ mất", cô nói.
Nỗi lo ngại phải đến nơi đông người giữa thời dịch không phải là mối băn khoăn hàng đầu của những người xếp hàng đi mua bánh. "Nếu mình chưa tiêm vaccine, thì mình cũng sẽ không dám mạo hiểm. Tìm hiểu trước, mình thấy không gian điểm bán khá rộng rãi, mọi người cũng tuân thủ tốt giãn cách, đo thân nhiệt và sát khuẩn nên cũng yên tâm", Thanh Tâm nói. Cùng đồng tình với ý kiến của Tâm, anh Hùng cho rằng đây là tình huống an toàn, anh đã tiêm hai mũi vaccine và cảm thấy "không có vấn đề gì quá lo lắng".
Trong số những người xếp hàng mua bánh, có khá đông shipper hoặc người nhà nhờ đi mua hộ. Chị Phương Chi, một người nhập bánh Trung thu Đông Phương Hải Phòng lên Hà Nội bán, cho biết: "Mình sợ tụ tập đông người, mà mỗi lượt chỉ được mua 20 cái, nên đã thuê shipper đi mua lẻ ở các cơ sở".
Một lý do khác khiến nhiều người đến tận nơi mua bánh là sợ gặp phải hàng giả, hàng nhái. "Nhận chiếc bánh mới ra lò, nóng hổi được nhân viên chuyển đến điểm bán tôi mới an tâm", anh Hùng giải thích.
"Những tiệm bánh gia truyền lâu đời đều có nguyên liệu đảm bảo, chất lượng đã được khẳng định qua nhiều năm. Nhiều khách hàng chỉ tin tưởng khi được mua trực tiếp tại quầy", chị Trà, 35 tuổi, cháu ngoại chủ cửa hàng bánh Bảo Phương, giải thích thêm.
"Năm nay, dịch ảnh hưởng nên ít thợ, khan hiếm nguyên liệu, nhưng giá cả vẫn bình ổn. Hơn nữa, bánh được tạo nên bằng bí quyết riêng, có hương vị riêng. Không có chất bảo quản, hạn sử dụng chỉ trong vài ngày. Do đó nhiều khách vẫn chuộng bánh truyền thống hơn là những chiếc bánh sản xuất công nghiệp bày bán hàng tháng trời", chị Trà nói.
Nhu cầu mua bánh Trung thu cổ truyền còn thể hiện mong mỏi nhịp sống bình thường của người dân. Tại "vùng cam" đường Bình Long, quận Bình Tân, TP HCM, Vân Anh, 20 tuổi, xúc động khi mua được một chiếc bánh thập cẩm ở lò nướng nhỏ gần nhà: "Em xin mãi mới được chú công an cho qua chốt đi mua bánh. Được ăn bánh trong mùa dịch thế này mừng lắm, giống như ngày Tết được ăn bánh chưng vậy".
Theo bà Ánh Tuyết, nghệ nhân ẩm thực Hà Nội, bánh Trung thu cổ truyền chứa đựng nét tinh hoa ẩm thực xưa cũ, là văn hóa lâu đời của dân tộc. Dù thời nay có nhiều mẫu bánh đa dạng, mới mẻ, nhưng người Việt Nam vẫn luôn thể hiện tinh thần hướng về nguồn cội.
Tuy vậy, nghệ nhân này cho rằng việc bất chấp tính mạng bản thân hay sự an toàn của cộng đồng, chỉ để đổ xô ra ngoài mua một hộp bánh là không nên. "Nhưng xã hội này có cung, có cầu. Nếu người dân đã tiêm vaccine, chấp hành tốt 5K và các điểm bán hàng sắp xếp được không gian mua bán an toàn, trật tự giữa mùa dịch bệnh, thì cũng không có vấn đề gì", bà Ánh Tuyết chia sẻ.
Hoàng Hà