Trưa 15/9, anh Xuân Thành, 29 tuổi, ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, hì hụi ngồi cắt vỏ hộp sữa để làm đèn lồng cho cậu con trai 11 tháng tuổi, Duy Phúc. Chị Phương Nguyên, vợ anh, cũng ngồi cạnh loay hoay cắt một khúc nến để chuẩn bị gắn vào đèn.
TP HCM vẫn đang trong những ngày giãn cách vì dịch Covid-19 nên các hoạt động Trung thu rất trầm lắng. Không muốn con mất Tết Trung thu đầu đời, hai vợ chồng anh Thành bàn nhau thử chế đồ chơi cho con.
Trong căn chung cư ở quận Bình Thạnh, bé Gia Khanh, 7 tuổi, con gái anh Trần Sỹ cười tít mắt khi tự làm được chiếc đèn trung thu từ vỏ chai nước ngọt. Phần thân đèn có sự hỗ trợ của ba, còn bé đảm nhận việc tô màu.
Chiếc đèn trung thu làm từ hộp sữa, vỏ chai nước ngọt của bé Phúc hay bé Khanh là sản phẩm của trào lưu tự chế đồ chơi mùa trăng năm nay trong nhiều gia đình.
Những video DIY (do it yourself) dạy làm đèn lồng hay đồ chơi Trung thu đã có trên các mạng xã hội từ nhiều năm trước. Năm nay, khi các cửa hàng bán đồ chơi, dịch vụ cho Trung thu không hoạt động, phong trào làm đèn lồng rộ lên mạnh hơn. Xu hướng này bùng nổ trên mạng từ khoảng cuối tháng 8. Tối 18/9, trên một nhóm có gần 2 triệu người theo dõi, chủ đề về đèn trung thu tự chế mùa dịch có đến hơn 3.000 thảo luận, trao đổi kinh nghiệm.
Hôm 19/9, tại một căn chung cư ở phường Quán Bàu, TP Vinh (Nghệ An), con gái chị Minh và nhóm bạn nhỏ gần nhà cùng thực hành làm đèn Trung thu. Năm nay dịch bệnh vẫn đang phức tạp nên Ban quản lý chung cư không tổ chức rước đèn rầm rộ như mọi năm. Để tạo không khí cho các bé, chị và cư dân cùng tầng đã tổ chức ngày hội đèn lồng bằng vỏ lon bia.
Làm đèn lồng kiểu này không khó, chủ yếu cần cẩn thận để không bị vỏ nhôm cứa đứt tay. "Đầu tiên là dùng dao khía từng phần bằng nhau ở thân vỏ, rồi lấy dao rọc giấy cắt ra. Làm xong phải cắt và mài miệng nên rất dễ bị đứt tay", bà mẹ trẻ truyền kinh nghiệm.
Những chiếc đèn làm bằng vỏ hộp sữa thì phức tạp hơn, cần dùng đến máy khoan, máy cắt. Sau công đoạn cắt vỏ hộp sữa, anh Xuân Thành dùng móc quần áo làm dây trục để gắn hai hộp lại với nhau. Khi chiếc đèn hoàn thiện và quay tít cùng ánh sáng vàng nhẹ của ngọn nến, bé Phúc bật cười thích thú. Sản phẩm của anh Thành đã khơi mào cho "cơn sốt" đèn lồng tự chế trong hẻm.
"Trung thu trong mùa dịch nên mua bán gì cũng khó, đặt đồ trên mạng hầu hết là không giao được hàng, nên vợ chồng mình chỉ biết ở nhà tự chế đồ chơi cho con. Đèn lồng làm bằng vỏ hộp sữa nhưng vẫn kêu leng keng, lại phát sáng được nữa nên bé nhà mình và các cháu hàng xóm thích lắm", chị Nguyên, vợ anh Thành nói.
Những chiếc đèn lồng tự chế trở thành "cứu tinh" cho trẻ em trong hẻm nhà chị Trúc Ngân, 28 tuổi, ở Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Ban đầu là một phụ huynh trổ tài khéo tay, sau đó là những buổi trưa, những ông bố khác cũng mang đồ nghề, lon bia, hộp sữa, chai nước, dây thép, đèn cầy,... để phục vụ các bạn nhỏ.
Điều phụ huynh không ngờ là các bạn nhỏ hưởng ứng phong trào này rất nhiệt tình bởi được tham gia sáng tạo cùng bố mẹ. Anh Trần Sỹ, ba của bé Gia Khanh kể: "Từ một vỏ chai nước ngọt cũ, ba được giao nhiệm vụ cắt, con gái nhận việc tô màu. Tô xong thì nhờ ba buộc dây vào để treo lên đũa rồi hai chị em cùng giả vờ đi rước đèn".
Cũng tự làm đèn trung thu, nhưng chị Liên ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại cùng các con trưng dụng những món đồ chơi cũ. "Bé nhà mình tìm được một quả trứng khủng long cũ, rồi mẹ hướng dẫn làm. Được tự tay làm sản phẩm của mình nên các bạn thích lắm, lại giảm bớt thời gian xem tivi", chị Liên kể.
Đèn lồng tự chế giúp trẻ em có thêm trải nghiệm nhưng cũng là dịp người lớn sống lại những kỷ niệm tuổi thơ. Chị Trúc Ngân chia sẻ: "Mình thích những chiếc đèn tự chế đốt bằng nến như vậy hơn là đèn điện. Người lớn trong xóm thấy vui như trở về trung thu như ngày xưa vậy".
Hoàng Hà