Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Virus MRC, Đại học Glasgow, cuối tháng 9 công bố kết quả nghiên cứu, cho thấy gene OAS1 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phản ứng giai đoạn đầu của một cá nhân với virus.
Khi tế bào nhiễm nCoV, protein OAS1 có thể cảm nhận sự hiện diện của mầm bệnh. Nó bắt đầu kích hoạt một loại enzym tiêu diệt RNA, cho phép tế bào tấn công vật chất di truyền của virus. Ở một số bệnh nhân, OAS1 có tính bảo vệ cao hơn nhờ cơ chế "mã hóa trước" (prenylation). Đây là quá trình bổ sung phân tử kỵ nước (lipid) vào protein của OAS1.
Thông thường, nCoV lẩn trốn ở tế bào, nhân lên bên trong túi hình thành từ lipid. OAS1 đã mã hóa phù hợp có thể tìm kiếm nCoV một cách dễ dàng hơn, từ đó chỉ đạo các tế bào tấn công mầm bệnh.
Theo nghiên cứu, người nhập viện không có gene OAS1 được mã hóa trước thường dễ chuyển nặng, nghiêm trọng, nguy cơ vào hồi sức tích cực (ICU) hoặc tử vong cao hơn 1,6 lần. Song, nếu nCoV đột biến và có khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ do OAS1 được mã hóa, virus có thể trở nên nguy hiểm và dễ lây lan hơn.
Giáo sư Sam Wilson, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Virus, giải thích: "Chúng tôi biết virus có thể thích nghi. nCoV thậm chí có thể điều chỉnh để tái lưu hành trong các quần thể động vật".
Nghiên cứu cho thấy virus corona gây dịch SARS năm 2003 đã học được cách trốn tránh protein OAS1 được mã hóa trước. Nếu biến thể nCoV làm được điều tương tự, chúng có dễ lây nhiễm và lan truyền hơn trong cộng đồng chưa tiêm chủng.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature vào năm ngoái cũng chỉ ra rằng 5 loại gene là IFNAR2, TYK2, DPP9, CCR2 và OAS1 liên quan đến tỷ lệ chuyển nặng và tử vong hay hồi phục nhanh chóng ở một số bệnh nhân Covid-19.
Theo các nhà khoa học, chú trọng yếu tố di truyền giúp các nhà khoa học tăng tốc tìm kiếm các loại thuốc kháng virus và kháng viêm tiềm năng điều trị Covid-19.
Thục Linh (Theo Independent, Reuters)