Đến nay, rất ít bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng liệu pháp này.
Có nhiều nguyên nhân khiến phương pháp này được sử dụng hạn chế vào năm ngoái. Theo một bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi mới mắc bệnh, lượng nCoV trong cơ thể cao nên không phù hợp truyền huyết tương. Vào tuần thứ hai, bệnh thường diễn biến nặng do đáp ứng miễn dịch quá mức còn lượng virus đã giảm, do đó huyết tương của người khỏi không có nhiều giá trị. Ngoài ra, sau khi khỏi Covid-19, lượng kháng thể huyết tương sụt giảm nhanh, ít khả năng lấy được huyết tương có tác dụng bảo vệ mạnh.
Đối với người bệnh Covid-19, các chuyên gia phải cân nhắc kỹ lưỡng phương pháp điều trị do điều kiện của từng bệnh nhân khác nhau, bác sĩ này cho biết.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, ngày 21/9 giải thích phương pháp truyền huyết tương nguyên tắc là sử dụng kháng thể đã có ở những người đã khỏi bệnh hỗ trợ người mới mắc bệnh. Kháng thể có thể sẽ giúp giảm lượng virus trong cơ thể người đang bệnh, từ đó giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người truyền huyết tương cần có kháng thể đủ mạnh, người nhận huyết tương cần có sự tương thích về nhóm máu, giống như truyền máu.
Theo giáo sư Liêm, "tình huống bây giờ đã khác". "Phương pháp hiến huyết tương năm ngoái chưa triển khai vì ít người nhiễm. Hiện, lượng bệnh nhân Covid-19 đông nên có thể nghiên cứu điều trị phương pháp này", ông nói.
Do đó, giáo sư Liêm đã đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về hai phương pháp điều trị Covid-19 được thế giới áp dụng thành công, gồm truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm và truyền huyết tương (plasma) của người khỏi Covid-19. Chiều 20/9, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu về đề xuất của giáo sư.
Điều trị bằng huyết tương đã được ứng dụng trên thế giới nhiều năm nay. Tuy nhiên, các bác sĩ không chú ý định lượng nồng độ kháng thể, vẫn truyền huyết tương có nồng độ kháng thể thấp. Bây giờ, khi nghiên cứu để sử dụng liệu pháp huyết tương trong điều trị bệnh nhân Covid-19, các chuyên gia sẽ chọn lọc kỹ lưỡng, chỉ sử dụng huyết tương có nồng độ kháng thể đủ mạnh. Huyết tương sau khi được tách chiết, phân lập, truyền vào cơ thể sẽ giúp bệnh nhân đang điều trị chống lại virus, đồng thời giảm được tình trạng nặng, theo giáo sư Liêm.
Theo một chuyên gia thuộc Hội Truyền nhiễm Việt Nam, phương pháp sử dụng huyết tương áp dụng rất tốt trong một số trường hợp, ví dụ dịch Ebola trước đây, cứu được nhiều bệnh nhân. Với Covid-19, các nghiên cứu đánh giá phương pháp huyết tương chỉ hiệu quả với bệnh nhân nhiễm virus giai đoạn đầu, khi nCoV đang nhân lên và phát triển thì cần kháng thể trung hòa virus đó.
Bên cạnh đó, khi điều trị nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng, phương pháp truyền huyết tương có một số rào cản. Mục tiêu quyết định trong điều trị lúc này không phải là diệt nCoV mà cần tập trung vào ức chế phản ứng quá mức của cơ thể, vì vậy, chỉ định dùng huyết tương sẽ gặp khó khăn.
Nếu chỉ định dùng huyết tương trên bệnh nhân Covid-19 sớm có thể có hiệu quả, song lượng bệnh nhân quá nhiều, không đủ số huyết tương để đáp ứng. Thực tế, việc vận động người hiến huyết tương không dễ dàng, do nhiều người mắc Covid-19 vừa khỏi bệnh nên cơ thể mệt mỏi, chưa kể những bệnh nhân có bệnh nền...
Thúy Quỳnh - Chi Lê