Một người Hàn Quốc từng nói vui với khách nước ngoài rằng, nếu ai đó ném một hòn đá từ đỉnh núi Namsan xuống trung tâm thủ đô Seoul, nó sẽ rơi trúng đầu một người họ Kim hoặc Lee. Cứ 5 người Hàn Quốc lại có một người mang họ Kim, trong khi dân số của quốc gia này là hơn 50 triệu người. Tỷ lệ người mang họ Park là 1/10, trong đó nổi tiếng phải kể đến cựu thổng thống Park Chung-Hee, ca sĩ Psy tên thật là Park Jae-sang, cầu thủ Park Ji-Sung, hay HLV Park Hang-seo.
Những người họ Kim, Lee và Park chiếm gần nửa dân số xứ sở kim chi ngày nay. Trong khi, Trung Quốc có khoảng 100 họ phổ biến.
Thời phong kiến kéo dài của Hàn Quốc có thể trả lời phần nào cho thực tế trên. Như nhiều nơi trên thế giới, người Hàn Quốc hiếm có họ. Chỉ những người có dòng dõi hoàng gia hay thuộc tầng lớp quý tộc, như các văn võ bá quan (yangban) trong triều đình mới có tên họ. Nô lệ và những người bị xã hội ruồng bỏ như đồ tể, pháp sư và gái mại dâm; hay nghệ nhân, thương nhân, tu sĩ... đều không có họ.
Tuy nhiên, từ khi những quý tộc địa phương ngày càng có ảnh hưởng trong triều chính, Wang Geon, vua sáng lập của triều Goryeo (918 - 1392) đã lấy lòng họ bằng cách ban cho họ tên như cách để phân biệt quần thần trung thành và quan viên. Triều đình còn tổ chức Gwageo, kỳ thi tuyển quan lại, nơi thăng quan tiến chức và biểu tượng cho tiến bộ xã hội, yêu cầu thí sinh phải đăng ký tên họ.
Từ đó những hộ gia đình thuộc tầng lớp ưu tú bắt đầu có họ tên đầy đủ. Dần dà những thương thân thành đạt cũng nhập cuộc chạy đua "tên có họ", bằng cách bỏ tiền mua lại tộc phả (jokbo) của những yangban đã phá sản để sở hữu tên họ của giới quý tộc. Đến cuối thế kỷ 18, hoạt động mua bán gia phả diễn ra tràn lan. Nhiều gia đình không có người nối dõi, nhưng một người không cùng huyết thống có thể trả tiền để ghi vào gia phả như con cháu trong nhà.
Lee và Kim là hai trong số họ được hoàng thất sử dụng từ xa xưa, nên giới thượng lưu tỉnh lẻ rất ưa thích. Sau đó Lee và Kim dần trở thành họ phổ biến với thường dân. Những họ này có nguồn gốc từ Trung Quốc, triều đình Hàn Quốc và giới quý tộc chấp nhận chúng vào thế kỷ thứ bảy, bởi nghe giống những dòng họ danh giá tại Trung Quốc (nhiều họ của người Hàn Quốc được hình thành từ một chữ tiếng Trung duy nhất).
Vì vậy, họ tên của một người nhất định phải gắn với quê hương hoặc bản quán (bongwan) để phân biệt họ hàng, dòng dõi. Dòng họ Kim có khoảng 300 bản quán riêng biệt, chẳng hạn như Kim Gyeongju (họ Kim từ Gyeongju) và Kim Gimhae (họ Kim từ Gimhae), dù những tài liệu chính thức không công nhận điều này.
Hạn chế về những dòng họ khiến người dân Hàn Quốc không thể chắc chắn ai có quan hệ huyết thống với ai. Vì vậy, cuối thời Joseon, nhà vua ban hành lệnh cấm kết hôn giữa những người có bongwan giống hệt nhau (điều luật này được bãi bỏ vào năm 1997). Năm 1894, hệ thống phân biệt tầng lớp xã hội Hàn Quốc bị bãi bỏ, từ đây mọi người dân bình thường đều được phép thêm họ vào tên. Người ở có thể lấy họ của chủ nhà, hoặc đơn giản chọn ra một họ phổ biến. Năm 1909, một luật thống kê dân số mới được thông qua, yêu cầu tất cả người dân Hàn Quốc phải đăng ký họ tên đầy đủ.
Ngày nay, gốc gác của một dòng không còn khẳng định đẳng cấp hay địa vị xã hội của người Hàn Quốc. Song những gia tộc mới của họ Park, Kim hay Lee ngày càng đa dạng. Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, những công dân nhập cư thường chọn họ Kim, Lee, Park và Choi. Từ đó những gia tộc mới ra đời như Kim Mongol của người gốc Mông Cổ hay Park Taeguk của người gốc Thái Lan. Bởi vậy, Park, Kim và Lee vẫn tiếp tục là những họ phổ biến nhất tại Hàn Quốc.
Bảo Ngọc (Theo Economist)