Vào ngày đầu năm 2024, trận động đất mạnh 7,5 độ quét qua Nhật Bản, khiến ít nhất 62 người thiệt mạng và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Đây không phải lần đầu tiên quốc gia ở Đông Á trải qua thảm họa như vậy. Nhật Bản hứng chịu nhiều trận động đất mạnh, bao gồm động đất 9 độ năm 2011 kéo theo sóng thần và tai nạn hạt nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ thương vong do động đất ở Nhật Bản tương đối thấp nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và biện pháp phục hồi sau thảm họa, theo giáo sư Daniel Aldrich ở Đại học Northeastern.
"Một trong những nghiên cứu yêu thích của tôi là xem xét tỷ lệ tử vong do động đất và so sánh với số tiền chính phủ dành cho các biện pháp như lưới an toàn. Những nước như Nhật Bản đầu tư nhiều tiền hơn để bảo vệ người dân an toàn và thường chuẩn bị tốt hơn", Aldrich cho biết.
Động đất quy mô lớn dẫn tới tỷ lệ tử vong cao hơn ở nơi chính phủ không áp dụng nhiều biện pháp đối phó. Ví dụ, trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm ngoái có tỷ lệ tử vong lên tới 41.000 người. Động đất mạnh 7,6 độ ở Pakistan năm 2005 giết chết ít nhất 86.000 người. Nhưng trận động đất năm 2011 tại Nhật Bản khiến 20.000 người chết, thấp hơn nhiều so với các thảm họa trên dù độ mạnh cao hơn hẳn.
Theo Aldrich, chuyên gia về thảm họa và phục hồi ở Nhật Bản, đất nước này có lịch sử lâu dài gắn liền với thiên tai, đặc biệt là động đất do vị trí ở nơi giao nhau của vài mảng kiến tạo. Có bằng chứng Nhật Bản đã trải qua động đất và sóng thần suốt hơn 1.000 năm. "Đây là một quốc gia phải vật lộn với thảm họa và đã tiến hành khá tốt việc giảm thiểu thiên tai", Aldrich nhận định.
Nhật Bản thực hiện điều này bằng cách kết hợp chuẩn bị đối phó động đất vào đời sống hàng ngày. Học sinh ở Nhật Bản có những cuộc diễn tập chống động đất, tương tự trường học ở Mỹ diễn tập sự cố hỏa hoạn hoặc nổ súng. Khi sống ở Tokyo, bản thân Aldrich từng tham gia luyện tập cách sử dụng thiết bị cứu hỏa và thực hành sơ cứu, hai hoạt động có thể giúp ích trong trường hợp động đất. "Đó là điều chính phủ Nhật Bản muốn cư dân làm được. Nhật Bản là quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nổi tiếng với nhiều núi lửa và hoạt động địa chấn thường xuyên. Họ trải qua hàng trăm trận động đất do vị trí đặc thù", Aldrich nói.
Aldrich mô tả phương pháp chuẩn bị đối phó thảm họa của Nhật Bản đến từ hai hướng. Một mặt, có nhiều sáng kiến đến từ chính phủ trước, trong và sau thảm họa, bao gồm diễn tập và huấn luyện xử lý sự cố, xây các tòa nhà với chỉ dẫn thoát hiểm để sơ tán, lắp đặt hệ thống cảnh báo động đất (có thể báo động cho người dân 30 giây trước khi động đất xảy ra) và tập huấn lực lượng phản ứng nhanh.
Điều đó có nghĩa người dân bình thường cũng được trang bị để đối phó tình huống khẩn cấp. Nhiều người sống ở Nhật Bản biết cách chuẩn bị cho động đất và phản ứng nếu thảm họa xảy ra. Theo Aldrich, điều này rất dễ thấy khi một máy bay thương mại của Nhật Bản đâm vào máy bay của cảnh sát biển hỗ trợ vùng động đất, chỉ có 5 người trên máy bay bị đâm thiệt mạng trong khi toàn bộ hành khách sơ tán an toàn.
"Lính cứu hỏa tới hiện trường trong vòng vài giây. Không có cư dân nào tử vong bởi họ đã bình tĩnh sơ tán. Nhật Bản đã làm tốt việc xây dựng phản ứng theo cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên. Chúng ta không thể ngăn chặn động đất. Những gì chúng ta có thể làm là áp dụng hàng loạt biện pháp bảo vệ vào môi trường sống", Aldrich nói.
Cách xây dựng công trình cũng là một yếu tố quan trọng. Trong 60 năm qua, Nhật Bản xây dựng những tòa nhà với nền móng được thiết kế để đung đưa theo rung động thay vì cố định. Aldrich từng trải nghiệm điều này khi ở tầng 17 của một tòa nhà tại Nhật Bản trong trận động đất mạnh cách đây vài năm. "Toàn bộ tòa nhà đung đưa, nhưng không có tấm kính hay tấm thạch cao nào bị vỡ. Đó là một công nghệ rất hiện đại. Các tòa nhà lâu đời hơn thường bị vỡ móng do kém linh động", Aldrich cho biết.
Không phải mọi tòa nhà đều được nâng cấp, đó là lý do nhiều ảnh chụp Nhật Bản cho thấy các tòa nhà cũ xây từ bê tông và thạch cao đổ nát. Thảm họa như động đất luôn đe dọa nhóm người dễ tổn thương như người lớn tuổi. Nhưng chuẩn bị kỹ càng có thể giúp giảm đáng kể ảnh hưởng.
An Khang (Theo Phys.org)