Hơn năm trước, chị Nguyễn Ngọc Lan làm việc cho bộ phận truyền thông của một công ty bất động sản, đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp do doanh nghiệp cắt giảm người. Mất việc giữa lúc kinh tế khó khăn, khó tìm việc mới, chị quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và cũng để chờ ngành bất động sản "tan băng".
Với hơn 10 năm tham gia BHXH và có thời điểm mức lương làm căn cứ đóng gần 10 triệu đồng, chị Lan tính sơ số tiền rút được hơn 250 triệu đồng. "Tôi cũng không bí bách lắm nhưng nghĩ tiền về túi vẫn hơn", chị nói.
Xác định sẽ nhận trợ cấp một lần nên sau thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, chị Lan ưu tiên nhận công việc thời vụ, làm thêm ngoài giờ để chờ đủ 12 tháng không tham gia BHXH. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, doanh nghiệp chị đang làm việc đề nghị ký hợp đồng chính thức nếu không sẽ tuyển người khác. Cùng lúc đó, hồ sơ nhận trợ cấp một lần của chị được cơ quan BHXH thông báo trong tổng thời gian tham gia BHXH có ba tháng bị nợ. Do đó, chị cần liên hệ doanh nghiệp đóng số tiền còn thiếu để cơ quan bảo hiểm giải quyết hồ sơ.
"Liên hệ doanh nghiệp cũ cũng mất thời gian mà công việc mới ổn, thu nhập tốt nên tôi quyết định ký hợp đồng chính thức, không rút bảo hiểm nữa", chị Lan nói. Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, chị nói chưa chắc chắn sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu hay nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, người phụ nữ 36 tuổi thừa nhận "sự thôi thúc rút một lần đã giảm nhiều so với trước".
Thay đổi trong suy nghĩ của người lao động là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến số lượng nhận trợ cấp một lần ở TP HCM giảm mạnh, theo ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM. Theo thống kê, năm 2024, có hơn 99.900 người nhận trợ cấp một lần, trong khi con số này năm 2023 là gần 112.800, tức giảm 11,4%. Đây cũng là lần đầu tiên trong 5 năm liên tiếp, số người rút BHXH một lần ở thành phố dưới 100.000 người.
Theo ông Hiệp, số người nhận trợ cấp một lần giảm mạnh là trái với dự báo trước đó khi năm 2023 số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp gần 160.000 người. Đây là những trường hợp có khả năng cao sẽ rút một lần khi chờ đủ 12 tháng không tham BHXH.
"Có thể người lao động đã thấy an tâm hơn khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chốt được phương án về trợ cấp một lần", ông Hiệp đánh giá. Cùng với đó, tình hình kinh tế ấm lên, một số người trước đây chủ động nghỉ việc chờ rút bảo hiểm thì đã tìm được việc làm mới.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tác động tốt đến tâm lý của người lao động khiến số người nhận trợ cấp một lần giảm cũng là nhận định của bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, chuyên viên Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động TP HCM).
Nhiều năm tham gia tư vấn pháp luật tại các nhà máy, đặc biệt giai đoạn cao điểm lấy ý kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, bà Khuyên thấu hiểu sự lo lắng của người lao động trước sự thay đổi của luật. Nhiều lao động chủ động nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm, không chịu nhận việc mới. Tuy nhiên, khi luật được thông qua, tình hình đã được cải thiện.
Theo bà Khuyên, một số điều khoản mới trong luật tạo ra kỳ vọng lớn cho người lao động. Ví dụ, việc giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm giúp người lao động dễ dàng đạt đủ điều kiện "về già có lương". Luật cũng đã bổ sung các quy định hỗ trợ cho lao động thất nghiệp, người lớn tuổi hoặc thu nhập thấp bằng các gói hỗ trợ ngắn hạn. Điều này giúp lao động giảm bớt nhu cầu rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, thay vào đó họ sẽ bảo lưu mà không lo mất quyền lợi.
Đặc biệt, bà Khuyên cho rằng từ lúc bắt đầu sửa luật đến nay, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà công đoàn, các tổ chức đoàn thể đều tham gia tuyên truyền về hưu trí, chế độ ngắn hạn được hưởng, thiệt thòi khi nhận trợ cấp một lần. Đặc biệt, những thông tin về xã hội già hóa cũng khiến người lao động suy nghĩ về tương lai của mình.
Bên cạnh sự tác động của chính sách, theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM), thị trường việc làm cũng tác động đến lao động. Sau giai đoạn khó khăn, tìm việc khó, sa thải hàng loạt, nhiều người đã quý trọng cơ hội việc làm hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động tăng phúc lợi để giữ chân lao động, giúp họ an tâm.
Đơn cử, Công ty TNHH May Oasis (huyện Củ Chi) đã tăng nhiều khoản phúc lợi để giữ chân lao động và ứng phó với tình trạng khan hiếm nhân lực. Từ đầu năm 2024, ngoài nỗ lực tìm kiếm nguồn đơn hàng nhằm ổn định việc làm, cải thiện thu nhập, công ty đã xây dựng quỹ hưu trí cho tất cả nhân viên. Lao động làm việc đủ một năm sẽ được công ty đóng vào quỹ 6 triệu đồng. Số tiền này sẽ doanh nghiệp đóng hàng năm. Từ năm thứ 10 trở đi, người lao động được quyền nhận khoản trợ cấp này mà không phải rút bảo hiểm xã hội.
"Trước đây công nhân ngoài 35 hay bị cắt giảm hoặc khó tìm việc nhưng giờ đây độ tuổi tuyển dụng cho một người mới có thể lên 40-45", bà Thục nói, cho rằng điều này giúp lao động an tâm gắn bó, thời gian làm việc đủ dài để đảm bảo được thời gian hưởng lương hưu.
Lê Tuyết