Johnta Austin, một cử tri ở bang Georgia, hôm 13/10 chia sẻ lên Twitter video cho thấy anh đã xếp hàng suốt 11 tiếng để được bỏ phiếu sớm. "Một hành trình dài nhưng sẽ không ở nơi nào khác! Mọi người hãy đi bầu!", Austin viết.
Video nhanh chóng lan truyền và thu hút tới 5,8 triệu lượt xem cùng hơn 100.000 lượt thích.
Georgia cùng với Texas là hai bang tuần này bắt đầu tổ chức bỏ phiếu sớm, với nhiều hạt ghi nhận số phiếu kỷ lục trong ngày. Các bang khác như Virginia thậm chí bắt đầu bỏ phiếu sớm trực tiếp từ tháng 9 và cũng ghi nhận những số liệu tương tự.
Có 39 bang của Mỹ cho phép bỏ phiếu sớm trực tiếp, với khung thời gian tổ chức khác nhau. Đây là cách thức bầu cử thông dụng với công dân Mỹ, do ngày bầu cử chính thức luôn rơi vào thứ ba và chưa bao giờ là ngày nghỉ lễ.
Năm 2016, khoảng 36% cử tri Mỹ đã bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Năm nay, cách thức bỏ phiếu này dường như trở nên phổ biến hơn cả. Theo số liệu của Dự án Bầu cử Mỹ thuộc Đại học Florida hôm 12/10, gần 10,3 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu bầu tổng thống sớm, cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm này năm 2016.
Tuy nhiên, sự nhiệt tình của cử tri cũng dẫn tới sự cố. Các máy bỏ phiếu mới ở bang Georgia bị lỗi kỹ thuật, một số điểm bỏ phiếu thiếu nhân viên, trong khi hạt đông dân nhất ở Texas chỉ có một điểm bỏ phiếu duy nhất sau quyết định gây tranh cãi của tòa án.
Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều cử tri e ngại cảnh đông đúc vào ngày bầu cử, thúc đẩy họ đi bầu cử sớm. Ngoài ra, sự chia rẽ của chính trị Mỹ đang truyền cảm hứng cho nhiều người đi bầu hơn.
Một lý do nữa khiến nhiều người đi bỏ phiếu sớm là những lo ngại xung quanh việc bầu cử qua đường bưu điện. Nhiều vụ kiện tụng, chủ yếu từ phía đảng Cộng hòa và chính quyền Tổng thống Donald Trump, đang diễn ra khắp nước Mỹ về một loạt vấn đề thủ tục với việc bỏ phiếu vắng mặt và qua thư.
Tại bang Wisconsin, đó là tranh cãi về ngày hết hạn kiểm đếm phiếu bầu qua thư. Tại Texas, đó là kéo dài thời gian bầu cử sớm. Bang Ohio đang đòi thêm hòm phiếu và bang Bắc Carolina đang tranh cãi về việc yêu cầu người làm chứng cho phiếu bầu vắng mặt.
Tổng thống Trump luôn phản đối việc bỏ phiếu qua thư vì cho rằng hình thức này dễ dẫn tới gian lận, dù dữ liệu cho thấy điều này hiếm khi xảy ra trong bầu cử Mỹ.
Những cử tri chọn bỏ phiếu sớm trực tiếp có thể phải chờ đợi tới 11 tiếng, nhưng các chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi đánh giá tình hình thực tế.
"Nguồn lực bầu cử có hạn, nhất là trong đại dịch", Rick Hasen, giáo sư luật bầu cử ở đại học California-Irvine, cho hay hôm 12/10. "Sự nhiệt tình trong ngày đầu bỏ phiếu sớm dẫn tới những hàng người dài không có nghĩa là hệ thống có vấn đề. Hãy chờ thêm vài ngày nữa. Những gì xảy ra vào ngày đầu tiên có thể không tái diễn vào các ngày tiếp theo".
Nghiên cứu cho thấy những dòng người xếp hàng dài chủ yếu phổ biến ở những khu vực nhiều người thiểu số và cử tri thu nhập thấp. Các nhà nghiên cứu đã dùng dữ liệu điện thoại di động năm 2019 để theo dõi sự chênh lệch trong thời gian chờ đợi và phát hiện ra rằng các khu dân cư với đa số là người da màu có thời gian chờ đợi bỏ phiếu lâu hơn 29%.
Khả năng những cử tri da màu chờ đợi từ một giờ trở lên so với cử tri da trắng cao gấp 7 lần. Cử tri da màu cũng ít tin tưởng hơn vào hình thức bỏ phiếu bầu qua thư. Nghiên cứu cho thấy phiếu bầu qua thư của họ thường bị từ chối nhiều hơn.
Tại hạt Fulton đông dân nhất bang Georgia, giám đốc bầu cử Rick Barron khuyến khích các cử tri đã yêu cầu phiếu bầu vắng mặt sử dụng hình thức này, gửi phiếu bầu qua đường bưu điện hoặc trong ở hòm phiếu bất kỳ, thay vì trực tiếp đi bầu.
Khi một người ban đầu yêu cầu bỏ phiếu qua thư, nhưng sau đó lại đến điểm bỏ phiếu để bầu trực tiếp, họ sẽ gây mất nhiều thời gian hơn vì phiếu bầu qua thư phải bị hủy. Điều này khiến những người khác chờ đợi lâu hơn, ông Barron giải thích.
Khoảng 1,6 triệu người dân Georgia đã yêu cầu phiếu bầu vắng mặt, trong đó, gần 474.000 phiếu đã được bỏ và chấp nhận.
Estela Cisneros, 33 tuổi, ở thành phố Houston, bang Texas, cho hay những lo ngại về Covid-19 trong kỳ bầu cử này rất nghiêm trọng, đặc biệt với các cộng đồng da màu và thiểu số, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay cũng rất quan trọng.
"Tất cả những gì tôi thực sự có thể nói với mọi người là hãy đi bỏ phiếu. Tôi sinh ra ở đây và thông qua phiếu bầu, tôi sẽ nói lên tiếng nói của những người giống tôi", Cisneros nói.