Quá trình phiến quân bắn rơi chiếc Su-25 Nga
Truyền thông Nga hôm qua dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết thi thể thiếu tá phi công Roman Filipov đã được hồi hương nhờ sự trợ giúp từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Reuters đưa tin.
Chiếc cường kích Su-25 của thiếu tá Filipov bị phiến quân Syria bắn rơi bằng tên lửa phòng không vác vai hôm 3/2 tại tỉnh Idlib, buộc anh phải nhảy dù. Vị trí Filipov nhảy dù nằm trong vùng kiểm soát của các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Syria, khiến anh bị phát hiện rất nhanh. Phiến quân nhanh chóng triển khai lực lượng bao vây nhằm bắt sống Filipov.
Sau nhiều phút đơn độc chiến đấu chống lại số lượng tay súng áp đảo, thiếu tá Filipov quyết định kích nổ lựu đạn tự sát, tránh để rơi vào tay đối phương. Khi máy bay bị bắn, Filipov đã kịp thông báo tình hình về sở chỉ huy, tuy nhiên quân đội Nga đã không kịp triển khai lực lượng để giải cứu phi công này.
Theo các chuyên gia quân sự Nga, vị trí nơi Filipov bị bắn rơi ở tỉnh Idlib nằm cách căn cứ không quân Hmeymim hơn 130 km. Tại căn cứ này có một đơn vị tìm kiếm cứu nạn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng xuất phát, nhưng họ vẫn cần ít nhất 30-40 phút để tới hiện trường bằng trực thăng, trong khi Filipov bị phiến quân Syria bao vây trong thời gian ngắn đến mức anh không kịp rút khẩu súng trường giấu dưới gầm ghế phóng để tự vệ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng trực thăng tới giải cứu Filipov cũng bị coi là "hành động tự sát", bởi đây là địa bàn hoạt động của nhiều nhóm phiến quân được trang bị nhiều loại vũ khí phòng không, từ pháo cao xạ, tên lửa vác vai cho đến các loại súng máy. Việc trực thăng phải hạ thấp độ cao, quần lượn ở khu vực này để tìm kiếm và giải cứu Filipov sẽ biến nó thành "mồi ngon" cho các vũ khí này.
Nga từng mất một trực thăng Mi-8 trong quá trình giải cứu phi công Su-24 bị rơi cuối năm 2015, hai trực thăng khác cũng bị phiến quân Syria bắn hạ bằng tên lửa vác vai cách đây hai năm.
Vì lý do đó, quân đội Nga buộc phải triển khai lực lượng đặc nhiệm bằng đường bộ tới hiện trường để giải cứu Filipov. Tuy nhiên, lực lượng này di chuyển phải mất ít nhất hai giờ, không kịp để cứu phi công.

Bộ trang bị sinh tồn của phi công Nga trên chiến trường. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.
Phi công Nga luôn được huấn luyện sinh tồn trong trường hợp phải nhảy dù khỏi máy bay, đồng thời có nhiều trang thiết bị hỗ trợ cất trong ghế thoát hiểm. Họ được huấn luyện rời xa khỏi khu vực máy bay rơi để tránh nguy hiểm, đồng thời nhanh chóng lấy thiết bị sinh tồn và vũ khí để ẩn náu chờ cứu hộ.
Ngoài súng trường và súng ngắn, phi công Nga còn mang theo các trang bị cần thiết như bộ sơ cứu, thiết bị phát tín hiệu kiêm bộ đàm, bộ dây câu, mã tấu, pháo sáng... Lựu đạn không phải là trang bị tiêu chuẩn của phi công Nga khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng họ cũng không bị cấm mang theo, miễn là không ảnh hưởng tới không gian vận hành vốn rất chật hẹp trong buồng lái.
Tuy nhiên, có vẻ như ngay sau khi tiếp đất, thiếu tá Filipov đã phát hiện phiến quân đang áp sát nên không kịp di chuyển khỏi hiện trường hay lấy các phương tiện cứu hộ cần thiết.
Filipov chỉ kịp sử dụng súng ngắn tự động APS cất trong túi áo cùng ba hộp tiếp đạn để chống lại phiến quân. Đến giây phút cuối cùng, khi phiến quân chỉ còn cách vài mét và bản thân bị thương nặng, Filipov đã rút chốt quả lựu đạn mang theo, quyết không chịu đầu hàng kẻ thù. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga vì những hành động dũng cảm trong chiến đấu.
Tử Quỳnh