"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ sẽ ngừng tấn công ở Syria, khiến lệnh ngừng bắn được kéo dài vĩnh viễn. Do đó, tôi đã chỉ thị Bộ trưởng Tài chính dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt áp đặt vào ngày 14/10 để đáp trả động thái ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd ở đông bắc Syria", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại Nhà Trắng hôm 23/10.
Lệnh cấm vận do Trump thông qua hôm 14/10 tương đối nhẹ, nhằm bảo đảm kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không rơi vào khủng hoảng, nhưng một số dự luật trừng phạt nặng tay hơn vẫn đang được xem xét tại quốc hội Mỹ. Ngoài ra, Washington vẫn có thể áp lệnh trừng phạt Ankara liên quan đến thương vụ mua bán tên lửa phòng không S-400 của Moskva.
Học giả Enea Gjoza từ Quỹ Ưu tiên Quốc phòng của Mỹ cho rằng chính quyền Trump không muốn duy trì các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ quá lâu, vì chúng sẽ càng đẩy Ankara rời xa Washington thay vì hối thúc chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thay đổi hành động tại Syria.
Trừng phạt là một trong số ít cơ chế Mỹ vẫn sử dụng để gây sức ép với Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, mô hình áp đặt trừng phạt không mang tính chiến lược để buộc đối phương nhượng bộ đã không mang lại kết quả chính trị có lợi cho Mỹ trong quá khứ.
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của Washington luôn khiến đối phương gặp khó khăn kinh tế, nhưng không thay đổi được cách hành xử của họ. Điển hình là biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 không khiến Moskva từ bỏ vùng lãnh thổ này hay ngừng ủng hộ phong trào ly khai ở miền đông Ukraine.
Chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm vào nền kinh tế Iran cũng không mang lại kết quả như mong đợi. Tehran giữ quan điểm cứng rắn và công khai đối đầu với Washington, thậm chí còn bắn hạ máy bay không người lái (UAV) trị giá hơn 200 triệu USD của Mỹ. Lãnh đạo Iran từ chối đàm phán trừ khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, khiến giải pháp ngoại giao càng trở nên khó khăn
"Nếu Mỹ duy trì trừng phạt và đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Mỹ sẽ càng khiến Ankara đối đầu và không nhượng bộ Washington", Gjoza nhận xét.
Tổng thống Erdogan từng nhiều lần thể hiện thái độ cứng rắn trước sức ép từ nước ngoài, đặc biệt là sau khi Mỹ dọa trừng phạt nước này vì mua hệ thống S-400 Nga. Sau khi bị Mỹ gạt khỏi dự án siêu tiêm kích F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả bằng cách sẵn sàng xem xét mua chiến đấu cơ Nga để thay thế.
"Việc Mỹ đe dọa trừng phạt nhưng không mở ra đường lui cho Ankara sẽ kích động đối đầu thay vì hợp tác. Tổng thống Erdogan có thể phê phán Mỹ và các đồng minh châu Âu, cũng như tiến hành các biện pháp trả đũa nhằm làm vừa lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ", Gjoza nói.
Các biện pháp này có thể bao gồm đẩy mạnh chiến dịch chống người Kurd ngoài vùng đệm an toàn 30 km tại phía bắc Syria hiện nay, hạn chế Mỹ tiếp cận căn cứ không quân Incirlik hoặc phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng có thể mở cửa biên giới để đẩy 3,6 triệu dân tị nạn Syria đến châu Âu, cũng như tăng cường hợp tác quân sự và chính trị với Moskva.
Lệnh cấm vận của Mỹ thất bại khi chúng không thể buộc đối phương thay đổi hành vi trên thực tế. Các nước bị cấm vận thường sẵn sàng chịu thiệt hại kinh tế thay vì nhượng bộ, bởi họ không tin lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu thay đổi hành vi. Điều này chỉ khuyến khích họ theo đuổi mục tiêu của riêng mình thay vì thỏa hiệp với Mỹ.
Mỹ có thể làm suy yếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sẽ không khuất phục được Erdogan chừng nào chính phủ Mỹ chưa khởi động tiến trình ngoại giao để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thỏa hiệp.
"Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng sẽ mất nhiều thứ nếu bị trừng phạt mạnh tay, nhưng họ sẽ chỉ hợp tác nếu Mỹ đưa ra phương án giúp họ giữ thể diện và tránh được thảm họa kinh tế", Gjoza nhận định.
Duy Sơn (Theo Business Insider)