Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/7 phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD, bất chấp Bắc Kinh kêu gọi Washington không bán vũ khí cho Đài Bắc để tránh làm tổn hại quan hệ song phương.
Hồi tháng 3, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã âm thầm chấp nhận yêu cầu của Đài Loan mua 60 tiêm kích F-16V "Viper" trị giá 13 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này không được nhắc đến trong thông báo hôm 8/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi Trung Quốc tuyên bố việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Đài Loan là "lằn ranh đỏ" mà Mỹ không được phép vượt qua.
Giới quan sát cho rằng cảnh báo về "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh dường như là lý do chính khiến Washington chưa muốn thông qua hợp đồng bán F-16, nhằm tránh chọc giận Trung Quốc khi hai nước vẫn đang căng thẳng trong nhiều vấn đề.
"Hợp đồng tiêm kích F-16V có vai trò quan trọng hơn nhiều so với thỏa thuận bán xe tăng và tên lửa phòng không mà Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua. Phi đội chiến đấu cơ Đài Loan ngày càng lạc hậu, trong khi năng lực tác chiến không quân của Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
F-16V là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), máy tính điều khiển thế hệ mới và hàng loạt cải tiến trong buồng lái giúp đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc. Phi công cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay, tăng khả năng tác chiến của tên lửa tầm nhiệt AIM-9X.
Đây được đánh giá là sự bổ sung lớn cho lực lượng phòng vệ Đài Loan, vốn đang sở hữu 144 tiêm kích F-16A/B Block 20, 55 chiếc Mirage 2000 mua từ Pháp và 129 chiến đấu cơ nội địa Ching-kuo, tất cả đều được biên chế từ thập niên 1990. Chính quyền hòn đảo đang thực hiện dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm nâng cấp phi đội F-16A/B lên chuẩn F-16V với sự hỗ trợ từ Mỹ, 4 chiếc đầu tiên đã được bàn giao cuối năm 2018.
Kể từ sau hợp đồng bán 150 máy bay F-16 được cựu tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, Mỹ không tiếp tục bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Chính quyền cựu tổng thống Barack Obama từng hủy hợp đồng bán 66 chiếc F-16C/D Block 50 cho Đài Bắc vào năm 2011 do áp lực từ Bắc Kinh.
Với việc không thông báo bán 60 tiêm kích F-16V cho Đài Loan, chính quyền Tổng thống Trump dường như cũng đang tiếp nối chính sách này, nhằm tránh đẩy căng thẳng với Trung Quốc vượt quá tầm kiểm soát có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan.
Ngoài ra, việc Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nối lại đàm phán thương mại cũng ảnh hưởng đến hợp đồng vũ khí giữa Washington và Đài Loan. "Việc phê duyệt hợp đồng bán F-16 cho Đài Loan có thể phá hoại những cuộc đàm phán giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vừa được nối lại, thậm chí còn tệ hơn thế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần cảnh báo sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan nếu hòn đảo này tìm cách tuyên bố độc lập", Rogoway nói thêm.
Một khả năng được nhiều chuyên gia nhắc tới là chính quyền Trump đang sử dụng hợp đồng F-16V làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, đồng thời phê duyệt hợp đồng bán xe tăng Abrams và tên lửa Stinger để xoa dịu Đài Loan.
"Điều này giúp Mỹ có thêm lợi thế khi đàm phán, nhưng cũng tạo ra tiền lệ xấu khi cho thấy Washington sẵn lòng hủy bỏ các thỏa thuận mua bán vũ khí đã thông qua để nhận được sự nhượng bộ từ bên thứ ba", Rogoway đánh giá, cho rằng số phận của hợp đồng F-16V cho Đài Loan sẽ sớm được quyết định trong các cuộc đàm phán thương mại tới đây giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vũ Anh (Theo Drive)