Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ mới đây xuất hiện ở Hàn Quốc với hai thiết bị chuyên dụng phía trên, được cho là phương tiện chuyên chở đặc nhiệm người nhái chuyên thực hiện nhiệm vụ "ám sát ban lãnh đạo đối phương".
Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng đặc nhiệm Mỹ có thể đang diễn tập các phương án tấn công bí mật nhắm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ thực hiện phương án này vì nó tiềm ẩn quá nhiều thách thức và rủi ro, có thể dẫn tới một cuộc chiến rất tàn khốc, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng Mỹ phải đối mặt với một loạt thách thức nếu muốn ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đầu tiên là xác định vị trí của ông Kim Jong-un, vốn là việc không dễ dàng ở quốc gia có an ninh nghiêm ngặt như Triều Tiên. Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sử dụng người thế thân càng khiến quá trình này khó khăn hơn.
Vệ tinh gián điệp và các hệ thống tình báo tín hiệu có thể thu thập thông tin về Triều Tiên, nhưng không đủ chính xác đến mức xác định và nhận dạng được một cá nhân. Các chuyên gia phân tích của quân đội Mỹ từng không thể phân biệt bạn thù khi xem các video do máy bay không người lái (UAV) ghi lại. Những chiếc UAV như RQ-4 Global Hawk hay MQ-9 Reaper đều không thể sống sót trên trước mạng lưới phòng không dày đặc của Triều Tiên, cơ hội duy nhất là khi Mỹ triển khai UAV tàng hình như RQ-170 Sentinel.
Hạn chế này buộc Mỹ phải có điệp viên nằm vùng ở Triều Tiên, nhưng hiện nay Washington chưa thể xây dựng mạng lưới nào như vậy. Mô hình tuyển mộ điệp viên dựa vào đại sứ quán là vô ích ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi an ninh được duy trì vô cùng nghiêm ngặt. Việc cử điệp viên xâm nhập Triều Tiên cũng rất khó khăn, do nước này áp dụng hệ thống giám sát đủ sức phát hiện người lạ gần như ngay lập tức. Đây là những rào cản ngăn Mỹ nhận định chính xác vị trí của ông Kim Jong-un.
Kể cả khi phát hiện ra nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện vụ ám sát. Ông Kim Jong-un thường di chuyển liên tục, buộc Mỹ phải sẵn sàng cơ động lực lượng ngay lập tức. Nếu phát hiện nhà lãnh đạo Triều Tiên đang quan sát một vụ phóng thử tên lửa, chiến đấu cơ Mỹ phải có mặt bên ngoài không phận Triều Tiên từ trước đó. Nó cũng phải sở hữu khả năng tàng hình để đảm bảo yếu tố bất ngờ, kết hợp với tốc độ cao để chớp thời cơ rất ngắn khi ông Kim Jong-un xuất hiện.
Oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit có khả năng tàng hình, tầm bay lớn và thời gian hoạt động kéo dài, thích hợp cho nhiệm vụ thâm nhập vào lãnh thổ Triều Tiên để tung đòn ám sát nhưng lại không có tốc độ đủ nhanh để chớp thời cơ. Trong khi đó, tiêm kích F-35 có khả năng tàng hình và tốc độ cao, nhưng không đáp ứng tiêu chí về thời gian hoạt động liên tục trên không, đặc biệt trong trường hợp phải bật chế độ tăng lực để bay siêu thanh.
Tiêm kích tàng hình F-22 có thể bay hành trình ở vận tốc hơn 2.200 km/h. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ nhiên liệu của nó khá lớn, ngay cả khi không dùng chế độ tăng lực. Đây có thể là vũ khí tốt nhất để tung đòn ám sát ông Kim Jong-un, nhưng vẫn không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.
Một âm mưu ám sát thất bại chắc chắn sẽ khơi mào cuộc chiến tổng lực trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Jong-un khi đó sẽ có lý do để tấn công đáp trả, dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ. Đây là kịch bản không bên nào mong muốn bởi hậu quả quá thảm khốc của nó, chuyên gia Majumdar nhận định.
Duy Sơn