Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 14/7 đăng bài bình luận cảnh báo "quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho các cuộc xung đột ở Biển Đông và eo biển Đài Loan", đồng thời đe dọa rằng các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc "có thể bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông". Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng những tên lửa này khó có khả năng đe dọa tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông.
Trước đó, Global Times cũng phát thông điệp đe dọa tương tự, khoe uy lực của các tên lửa đạn đạo diệt hạm như DF-21D và DF-26, khi hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng một oanh tạc cơ chiến lược B-52 Mỹ tổ chức diễn tập chung trên Biển Đông hồi đầu tháng 7.
Tuy nhiên, tài khoản của đơn vị phụ trách truyền thông hải quân Mỹ do chuẩn đô đốc Charlie Brown phụ trách ngay sau đó đăng thông điệp tuyên bố "không sợ" tên lửa "sát thủ tàu sân bay" Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng hải quân Mỹ có nhiều lý do để tự tin trước những lời đe dọa từ Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc hiện sở hữu hai mẫu tên lửa đạn đạo có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ là DF-21D và DF-26, được phát triển để diệt mục tiêu chỉ với một phát bắn trúng đích.
DF-21D có tầm bắn 1.450 km, tốc độ trên 12.000 km/h, trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân có sức công phá tương đương 300.000 tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, biến thể DF-26 có tầm bắn 4.100 km, trang bị phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) với quỹ đạo thấp và có khả năng chuyển hướng khi bay đến mục tiêu, khiến đối phương khó đánh chặn.
Dù vậy, chuyên gia quân sự Kris Osborn cho rằng "sát thủ tàu sân bay" Trung Quốc mới chỉ là sản phẩm quảng bá trên truyền thông, chưa được kiểm nghiệm trong thực tế và có thể không đủ sức đe dọa hàng không mẫu hạm Mỹ vốn được bảo vệ bởi ô phòng không rất chặt chẽ.
Mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường gồm một tàu sân bay, một tàu tuần dương lớp Ticonderoga, hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke cùng một tàu ngầm tấn công. Chúng hình thành lực lượng tấn công hiệp đồng quy mô lớn, với khả năng yểm trợ lẫn nhau để tạo thành ô phòng không đa tầng.
Tên lửa DF-21D và DF-26 có tầm bắn lớn, nhưng khó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với tàu sân bay Mỹ trừ khi được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác và khả năng tấn công mục tiêu đang di chuyển. Ngoài ra, hải quân Mỹ đang phát triển công nghệ mới để tăng cường lưới phòng thủ quanh tàu chiến như vũ khí laser và hệ thống tác chiến điện tử để tên lửa bay chệch quỹ đạo.
Lưới phòng thủ quanh tàu sân bay Mỹ hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống chiến đấu Aegis của chiến hạm hộ tống và khí tài trên không, cùng tên lửa đánh chặn SM-6 và RIM-162 ESSM Block II liên tục được nâng cấp cảm biến và phần mềm, cho phép chúng nhận dạng và diệt mục tiêu đang cơ động tốt hơn.
Tên lửa SM-6 được trang bị đầu dò "hai chế độ" giúp nó phân biệt đầu đạn và mồi bẫy của tên lửa, từ đó hiệu chỉnh đường bay nhằm tiêu diệt mục tiêu.
Trong khi đó, RIM-162 ESSM Block II có khả năng bay sát mặt biển để đánh chặn đầu đạn tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay ở độ cao nhỏ. Phiên bản Block II sử dụng đầu dò hỗn hợp chủ động và bán chủ động, cho phép nó tự phát hiện và bám bắt mục tiêu trong pha cuối, thay vì dựa hoàn toàn vào tín hiệu dẫn đường từ radar chiếu xạ trên tàu chiến.
Các hệ thống cảm biến trên không mới của hải quân Mỹ gồm máy bay không người lái (UAV), tiêm kích tàng hình F-35C với khả năng tình báo, trinh sát và do thám (ISR), đủ sức cảnh giới và cung cấp dữ liệu mục tiêu cho lưới phòng thủ trên hạm. Các tính năng này đều nằm trong hệ thống Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp (NIFC-CA), giúp kết nối mọi hệ thống chiến đấu vào lưới phòng thủ phản ứng nhanh để loại bỏ mối đe dọa tên lửa từ xa.
"Trung Quốc tuyên bố tên lửa diệt tàu sân bay của họ sẽ khiến tàu sân bay 'lỗi thời', nhưng các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vẫn đủ khả năng tự vệ nhờ liên tục nâng cấp lưới phòng thủ đa tầng", chuyên gia Osborn nhấn mạnh.
Duy Sơn (Theo Fox News)