Chỉ trong chưa đầy một tuần mua Twitter, Musk đã thực hiện nhiều thay đổi đối với nền tảng. Ông yêu cầu các bộ phận lên danh sách "nhân viên có thể nghỉ việc", dự kiến chiếm 25% nhân sự, theo Washington Post. Ông cũng dự định thu phí các tài khoản có dấu tick xanh với giá 8 USD/tháng. Nguồn tin nội bộ cho hay Twitter cũng lên kế hoạch cho phép người dùng bán các video của mình trên mạng xã hội. Nền tảng này còn ấp ủ tính phí tin nhắn trực tiếp.
Hàng loạt ý tưởng xuất hiện liên tiếp và giới phân tích cho rằng mục tiêu xuyên suốt của chúng là nhằm thúc đẩy Twitter tìm kiếm nguồn tiền mới ngoài quảng cáo nhanh nhất có thể, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành.
Những động thái trên khác với tuyên bố hồi tháng 4 của ông rằng việc mua lại Twitter là để "giải cứu" thế giới, bảo vệ tương lai của nền văn minh nhân loại và không quan tâm đến vấn đề kinh doanh.
Sau khi xuất hiện thông tin tài khoản tích xanh Twitter Blue sẽ bị thu phí hôm 2/11, nhà văn người Mỹ Stephen King với gần bảy triệu người theo dõi trên nền tảng đã phản ứng: "20 USD mỗi tháng chỉ để có dấu tích xanh trên tài khoản của tôi ư?". Musk nhanh chóng phản hồi: "Dù thế nào chúng ta cũng cần thanh toán các hóa đơn. Twitter không thể mãi dựa hoàn toàn vào các nhà quảng cáo. Vậy còn giá 8 USD thì sao?".
Trong báo cáo tài chính quý II/2022, Twitter thông báo lỗ 344 triệu USD. Tăng trưởng người dùng đình trệ, khiến nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng tài chính của Twitter. Trong khi đó, thương vụ của Elon Musk đã bổ sung khoản nợ hàng tỷ USD vào số liệu của nền tảng, khiến vấn đề càng thêm nghiêm trọng. Ông vay ngân hàng 13 tỷ USD, nâng tiền lãi phải trả hàng năm của Twitter lên gần một tỷ USD, nhiều hơn toàn bộ lợi nhuận của công ty trong năm 2021. Những phương án kiếm lời trước thương vụ mua bán đang trở nên ngày càng khó khăn.
Elon Musk lấy tiền đâu mua Twitter
Ngành kinh doanh quảng cáo, nguồn thu chính của Twitter, cũng lung lay đáng kể từ khi Musk đề xuất mua lại công ty hồi tháng 4. Chi phí quảng cáo đã giảm nhiều tháng qua, trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn như Facebook và Google cũng chịu ảnh hưởng khi thị trường kỹ thuật số dần cạn.
Nhiều công ty khuyến cáo khách hàng đình chỉ quảng cáo trên Twitter trong giai đoạn này, do lo ngại sự hỗn loạn và tình trạng kinh tế khó khăn chung. Musk cố gắng trấn an và giành sự ủng hộ từ nhà quảng cáo, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng sẽ được cải thiện.
Do đó, theo The Verge, Elon Musk phải tìm mọi cách kiếm tiền ngoài quảng cáo, nhưng các biện pháp được đề xuất hiện nay chưa đủ lấp khoảng trống. Kế hoạch tham vọng nhất của ông là thu phí 8 USD/tháng với Twitter Blue. Tuy nhiên, với 400.000 tài khoản tham gia, Twitter cũng chỉ thu về 38 triệu USD/năm, quá nhỏ so với tiền lãi cả tỷ USD mà công ty phải trả hàng năm.
Elon Musk cũng có những ý tưởng thực sự về cách vận hành Twitter, mục đích mua lại công ty chính là để thử nghiệm chúng. Dù vậy, các công ty như Twitter vẫn có nguy cơ phá sản, nhất là khi số liệu vượt quá khả năng kiểm soát của chủ sở hữu. Tuần đầu tiên tại Twitter cho thấy Musk cố đang ngăn kịch bản này xảy ra, thay vì tập trung vào những ý tưởng cao xa như bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Điệp Anh (theo The Verge)