Cảnh quay từ camera an ninh ở ngoại ô Tehran được công bố hôm 14/1 cho thấy chiếc Boeing 737-800 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) liên tiếp trúng hai tên lửa phòng không của Iran sáng sớm 8/1.
Sau khi quả tên lửa đầu tiên phát nổ, chiếc máy bay vẫn tiếp tục hành trình. 23 giây sau, quả đạn thứ hai được phóng lên tiếp tục đánh trúng máy bay. Dù vậy, chiếc phi cơ này không nổ tung trên không trung, mà tiếp tục bay ngoặt sang phải. Hơn một phút sau, máy bay mới bắt đầu bốc cháy trên không, trước khi lao xuống khu ngoại ô Tehran và vỡ thành hàng nghìn mảnh do lực va chạm quá lớn.
Giới chuyên gia cho rằng đặc tính của tên lửa phòng không Iran, kết cấu của máy bay Boeing 737-800 cùng độ cao của phi cơ khi bị trúng tên lửa là những yếu tố khiến máy bay không vỡ tan trên không trung như thảm kịch MH17 ở Ukraine năm 2014.
"Phi cơ vẫn có thể bay sau khi trúng tên lửa. Tất cả phụ thuộc vào kích cỡ máy bay, đầu nổ tên lửa và vị trí trúng đạn", tiến sĩ hàng không Robert Ball viết trong cuốn sách "Những nguyên tắc cơ bản trong Thiết kế và Phân tích khả năng sống sót của máy bay quân sự".
Tình báo Mỹ và các chuyên gia nhận định vũ khí được phòng không Iran dùng trong vụ bắn nhầm máy bay Ukraine là mẫu tên lửa Tor-M1 do Nga sản xuất. Đây là hệ thống được phát triển để chuyên đối phó với các mục tiêu cỡ nhỏ như tên lửa hành trình, bom dẫn đường và máy bay không người lái.
Mỗi quả đạn 9M331 của tổ hợp Tor-M1 mang đầu nổ mảnh nặng 15 kg, dẫn đường bằng sóng vô tuyến và lắp ngòi nổ cận đích, cho phép diệt mục tiêu mà không cần va chạm trực tiếp.
"Thiết kế này giúp Tor-M1 dễ dàng diệt mục tiêu nhỏ, tốc độ cao như tên lửa hành trình bay sát mặt đất nhưng lại gặp khó khăn với những vật thể lớn như oanh tạc cơ, hay trong trường hợp này là máy bay chở khách", Michael Elleman, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận xét.
Tên lửa hành trình AGM-86 ALCM của Mỹ, vũ khí thúc đẩy sự ra đời của Tor, dài khoảng 6,3 m và có sải cánh 3,7 m. Trong khi đó, máy bay Boeing 737-800 có chiều dài tới 40 m và sải cánh 34 m.
Khi kích nổ, đầu đạn của 9M331 có thể bắn ra hàng trăm đến hàng nghìn mảnh kim loại về mọi phía. Nếu mục tiêu là một quả tên lửa hành trình, "đám mây mảnh văng" này sẽ phá hủy kết cấu và gần như vô hiệu hóa ngay lập tức quả đạn. Nhưng khi phát nổ gần máy bay chở khách cỡ lớn, các mảnh văng sẽ xuyên thủng thân máy bay, gây thương vong cho người ở bên trong và có thể gây hư hỏng các hệ thống điện tử, thủy lực, điều khiển của phi cơ.
"Hình ảnh chụp các mảnh xác máy bay Ukraine cho thấy nhiều lỗ thủng trên thân và không có dấu hiệu phát nổ từ bên trong, cho thấy tên lửa Iran chỉ kích nổ gần phi cơ và không lao thẳng vào mục tiêu", Elleman nói thêm.
Thư ký An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho biết tên lửa phát nổ ngay dưới buồng lái chiếc máy bay Boeing 737-800, khiến phi công bị thương nặng hoặc thiệt mạng ngay lập tức do trúng mảnh văng. "Đó là lý do họ không liên lạc hay phát tín hiệu khẩn cấp", ông cho biết thêm.
Đầu nổ mảnh 15 kg của tên lửa Tor đủ sức tiêu diệt tên lửa hành trình từ khoảng cách vài mét, nhưng khó lòng phá hủy ngay lập tức một chiếc máy bay chở khách trừ khi có va chạm trực tiếp.
Để so sánh, các tên lửa phòng không chuyên đối phó oanh tạc cơ như S-75 và S-200 thường mang đầu đạn nổ mảnh nặng 150-200 kg, cho phép chúng phá hủy hoàn toàn máy bay cỡ lớn chỉ với một phát bắn trúng đích.
Tên lửa Buk, hệ thống vũ khí được dùng để bắn hạ máy bay MH17 ở Ukraine năm 2014, có đầu đạn nổ mảnh nặng 70 kg. Những mảnh văng của tên lửa Buk đã xé toạc thân máy bay, khiến nó bị vỡ tan ở độ cao hơn 10.000 mét, các bộ phận máy bay và thi thể nạn nhân rơi xuống rải rác ở một khu vực rất rộng.
Trong khi đó, máy bay của UIA nhiều khả năng chỉ bị hư hỏng các bộ phận điều khiển quan trọng sau khi trúng hai tên lửa. Việc bị bắn ở độ cao 2.400 m khiến máy bay không bị giảm áp như MH17, nên thân phi cơ vẫn nguyên vẹn. Đầu đạn tên lửa phát nổ ở phía buồng lái nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến động cơ của máy bay.
Vì những lý do đó, chiếc Boeing 737-800 vẫn có thể tiếp tục hành trình trong gần hai phút sau khi trúng quả tên lửa thứ hai. Việc máy bay ngoặt sang phải có thể là nỗ lực cuối cùng của phi công để đưa phi cơ trở về sân bay trước khi thiệt mạng vì mảnh văng.
Tuy nhiên, các hệ thống trên máy bay không thể chống chọi với sức tàn phá quá lớn của vô số mảnh kim loại tốc độ cao. Hệ thống điện bị chập có thể đã tạo tia lửa bén vào nhiên liệu rò rỉ, khiến máy bay bắt đầu bốc cháy dữ dội. Phi cơ nhanh chóng bị lửa bao trùm và lao xuống với tốc độ rất lớn.
Trong lịch sử từng có nhiều vụ máy bay chở khách trúng tên lửa nhưng phi công vẫn kiểm soát được phi cơ trong nhiều phút.
Ngày 20/4/1978, máy bay Boeing 707 của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air Lines bay lạc vào không phận Liên Xô và bị hai tiêm kích Su-15 áp sát. Hai bên không kết nối được liên lạc, khiến phòng không Liên Xô được lệnh bắn hạ phi cơ Hàn Quốc.
Tiêm kích Su-15 phóng hai tên lửa đối không tầm ngắn R-60, trong đó một quả trúng đích và thổi bay một phần cánh trái của chiếc Boeing 707. Mảnh văng tên lửa cũng xuyên thủng thân chiếc Boeing 707, gây giảm áp và làm kẹt một trong 4 động cơ phản lực. Dù vậy, tổ lái vẫn điều khiển được máy bay và hạ cánh khẩn cấp xuống hồ băng gần biên giới Liên Xô - Phần Lan.
Trên máy bay có 109 hành khách và thành viên tổ bay. Một người thiệt mạng trên khoang vì mảnh văng tên lửa và một người khác tử vong do vết thương quá nặng trong lúc chờ cứu hộ.
Ngày 1/9/1983, một tiêm kích Su-15 Liên Xô phóng hai tên lửa đối không K-8 nhằm vào máy bay Boeing 747 của Korean Air Lines bị cáo buộc xâm phạm không phận nước này. Hai tên lửa mang đầu nổ mảnh nặng 40 kg này kích nổ cách đuôi chiếc máy bay chở khách khoảng 50 m.
Mảnh văng tên lửa khiến chiếc Boeing 747 bị hỏng 3 trong 4 hệ thống thủy lực và rách cánh đuôi, thân bị thủng một lỗ gây giảm áp đột ngột. Tuy nhiên, phi công vẫn điều khiển được máy bay trong vòng 5 phút và thông báo sự cố về đài không lưu ở Nhật Bản. Máy bay sau đó mất kiểm soát và lao xuống biển, khiến 269 người thiệt mạng.
Vũ Anh (Theo CNN)