Vào những năm 1970, một loài ốc sên ăn thịt ngoại lai có tên khoa học là Euglandina rosea được đưa đến quần đảo Society thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Chúng nhanh chóng sinh sôi và tàn phá hệ sinh thái. Ngoại trừ Partula hyalina, hơn 50 loài ốc sên bản địa đã bị xóa sổ hoàn toàn trong sự kiện này.
Trong một nghiên cứu mới xuất bản hôm 15/6 trên tạp chí Communications Biology, các nhà sinh vật học cuối cùng đã hiểu được lý do tại sao. Bằng cách sử dụng máy tính nhỏ nhất thế giới Michigan Micro Mote để theo dõi hành vi của ốc sên, nhóm nghiên cứu từ Đại học Michigan của Mỹ nhận thấy loài P. hyalina có thể sống được ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời hơn E. rosea.
"Chúng tôi có thể lấy dữ liệu mà không ai có thể lấy được. Đó là nhờ hệ thống máy tính siêu nhỏ có thể gắn trên vỏ một con ốc sên E. rosea hoặc một chiếc lá mỏng manh, nơi P. hyalina trú ẩn", Giáo sư David Blaauw từ Đại học Michigan, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Dữ liệu thu thập bởi Michigan Micro Mote cho thấy loài P. hyalina dành phần lớn thời gian sống dọc theo phần bìa rừng ngập nắng. Đồng tác giả Diarmaid Ó Foighil, Giáo sư sinh thái học tại Đại học Michigan, đưa ra giả thuyết rằng lớp vỏ trắng của P. hyalina giúp chúng chịu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp máy tính Michigan Micro Mote với một pin mặt trời tí hon và các cảm biến để đo lượng ánh sáng mặt trời mà các loài ốc sên nhận được trong cả ngày. Kết quả cho thấy P. hyalina có thể sống trong môi trường có nhiều nắng gấp 10 lần E. rosea, hay nói cách khách, nhiệt độ quá nóng đã ngăn loài ngoại lai ăn thịt xâm nhập vào nơi trú ẩn của P. hyalina ở bìa rừng.
E. rosea, còn được gọi là sên sói tía, ban đầu được đưa tới quần đảo Society để kiểm soát một loài ốc sên ăn thịt khác là ốc sên khổng lồ châu Phi. Tuy nhiên, do không có kẻ thù tự nhiên nào, chúng trở nên mất kiểm soát và tàn phá hệ sinh thái.
"Các loài ốc sên bản địa của quần đảo chưa bao giờ phải đối mặt với một kẻ săn mồi như sên sói tía. Nó có thể leo lên cây và rất nhanh chóng đẩy hầu hết các quần thể đến chỗ tuyệt chủng cục bộ", Ó Foighi nói thêm.
Việc hiểu tại sao P. hyalina là loài ốc sên bản địa duy nhất sống sót sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt có ý nghĩa rất quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài. Loài ốc vỏ trắng nhỏ bé này được ví như chim sẻ Darwin ở Galapagos vì mang đến cho các nhà khoa học cơ hội hiếm hoi để nghiên cứu sự tiến hóa và đa dạng sinh học trong một hệ sinh thái biệt lập.
Đoàn Dương (Theo UPI)