Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng ngày 19/9, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hứa sẽ đến thăm Seoul "trong tương lai gần". Tổng thống Moon hy vọng Kim Jong-un sẽ đến Hàn Quốc trước cuối năm nay.
Đây là một thông báo gây bất ngờ. Một số người thậm chí còn phỏng đoán ông Kim sẽ thăm đỉnh núi cao nhất của Hàn Quốc Hallasan trên đảo Jeju, tương tự chuyến thăm núi Paektu ở Triều Tiên của hai lãnh đạo hôm 20/9. "Đó là một ý kiến tuyệt vời. Chúng tôi sẽ xem xét việc đó", Yoon Young-chan, thư ký cấp cao về quan hệ công chúng của Tổng thống Hàn Quốc, bình luận.
Nếu chuyến thăm Seoul của ông Kim diễn ra theo đúng kế hoạch, lãnh đạo Triều Tiên sẽ hiện thực hóa mong muốn của người cha quá cố Kim Jong-il, theo Herald.
Theo hồi ký của cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc Lim Dong-won, người gặp Kim Jong-il vào năm 2000, lãnh đạo Triều Tiên lúc đó bày tỏ mong muốn được thăm đảo Jeju. Ông thậm chí còn nói đùa về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Hallasan và Paektu.
Tuy nhiên, Kim Jong-il, người rất thận trọng về các hoạt động trước công chúng, cuối cùng đã gạt bỏ ý tưởng này. Theo Lim, Kim Jong-il cho rằng còn quá sớm để ông vào lãnh thổ Hàn Quốc khi hai nước về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến 1950 - 1953 mới chỉ kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.
"Đó sẽ là rủi ro rất lớn đối với lãnh đạo Triều Tiên", Kim Dong-yup, giáo sư tại Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam, nhận xét. "Không có gì đảm bảo rằng chúng ta có thể phong tỏa tất cả con đường để ngăn chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra với ông ấy".
Tuy nhiên, Kim Jong-un là người sẵn sàng nắm lấy các cơ hội hơn bố mình, giáo sư Kim Dong-yup nhận xét. Ông là một lãnh đạo trẻ từng đi học ở phương Tây và ông đang cố xóa bỏ hình ảnh ẩn dật.
Khi Kim Jong-un đến Singapore để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6, lãnh đạo Triều Tiên đã tham quan khu vực trung tâm thành phố, chụp ảnh selfie với các quan chức địa phương. Nhiều người dân hiếu kỳ chờ đợi tại khách sạn ông đến thăm để được nhìn thấy lãnh đạo Triều Tiên.
Sau khi trở về từ hội nghị này, các hoạt động trước công chúng của ông Kim tập trung vào việc cải thiện kinh tế và việc làm của người dân. Thay vì khoe về sức mạnh quân sự, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp trong một chuyến thị sát nhà máy mỹ phẩm.
"Khán giả mục tiêu cho chuyến thăm Seoul của ông Kim nhiều khả năng là người dân của ông ấy hơn là thế giới bên ngoài. Ông muốn cho mọi người thấy ông đã ra quyết định đúng đắn và quốc gia đang đi đúng quỹ đạo. Đó là lý do tại sao ông ấy chấp nhận rủi ro lớn như vậy", giáo sư Kim đánh giá.
Nhiều người lo ngại chính quyền Moon Jae-in đang bị Triều Tiên "dắt mũi" với những lời hứa suông để phải chấp nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân bình thường. Triều Tiên từ lâu đã bị nghi ngờ cố gắng đạt được vị thế này. Tháng 12 năm ngoái, phái viên hàng đầu nước này tại Liên Hợp Quốc tuyên bố Triều Tiên là một "quốc gia hạt nhân yêu hòa bình".
Trên thế giới có 8 quốc gia đã thử nghiệm hoặc đang sở hữu vũ khí hạt nhân. 5 trong số đó được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân xem là "các quốc gia có vũ khí hạt nhân", bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ba nước không ký hiệp định này nhưng đã thử hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Ngoài ra, Israel được cho là có vũ khí hạt nhân nhưng không thừa nhận.
"Chuyến thăm Seoul của Kim Jong-un sẽ là chiến dịch tuyên truyền thành công nhất khiến Triều Tiên giống như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bình thường", Kim Jae-chun, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Sogang, đánh giá.