"Nó cầm dao như thế kia thì ai có thể tước được dao của nó bây giờ đây, có thể gây nguy hiểm đấy. Nên gọi cho công an." - Gia đình gần nhà tôi có chuyện ồn ào như vậy. Gia đình này có một người con gái năm nay tầm hơn 30 tuổi.
Cô này bị thiểu năng tử bé, càng lớn thì càng phát bệnh hơn, đến giờ dù đã hơn 30 tuổi nhưng không tự chủ về nhận thức một chút nào, thỉnh thoảng lại gây chuyện ồn ào như thế.
Theo những người có chuyên môn y tế thì do bố cô trước kia bị nghiện rượu nên cô bị thiểu năng như vậy. Tuy nhiên chẳng cần phải có kiến thức về y học thì cũng hiểu được điều này. Bố cô bị nghiện rượu nặng, khi uống rượu vào thì anh này quậy tung cả làng, vợ con, hàng xóm rất khổ vì anh này.
"Quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông" được rất nhiều sự đồng tình của xã hội vì những lợi ích của việc này mang lại, tuy vậy mọi người thường chỉ nói về tác dụng của quy định này là nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Một điều vô cùng quan trọng mà mọi người không nói nhiều đến đó chính là tác dụng to lớn của quy định này đối với sức khỏe và nòi giống của người Việt Nam.
Bao nhiêu bệnh tật từ rượu mà ra, bao nhiêu gia đình tan nát vì rượu. Không cần thống kê nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng có rất nhiều đứa trẻ được sinh ra khi cha, mẹ trong người có nồng độ cồn. Những đứa trẻ này được tạo ra hình hài sau những cuộc liên hoan, cỗ bàn của bố, mẹ mình.
Có thể những đứa trẻ này chưa đến mức bị thiểu năng trí tuệ như cô bé bất hạnh trên nhưng những đứa trẻ được sinh ra khi trong người bố mẹ mình có nồng độ thì rất có thể đã bị ảnh hưởng ở mặt này, mặt nọ.
Trong bốn đứa con của bố cô gái bất hạnh trên thì có ba người có vẻ bình thường, dù chưa đến mức bị thiểu năng nhưng mặt của ba người này cũng luôn trầm. Thật là tội nghiệp.
Hiện nay tầm vóc của người Việt Nam còn thua kém các nước rất nhiều. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của người Việt Nam đó là chế độ dinh dưỡng.
Khi ra Quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cơ quan quản lý chắc đã phải rất đau đầu khi cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và những hệ quả mà quy định này mang lại.
Đó là việc thất thu ngân sách rất nhiều từ việc các nhà máy sản xuất bia, rượu phải giảm sản lượng do lượng tiêu thụ giảm; là sự phá sản của các nhà hàng quán nhậu làm mất đi bao nhiêu việc làm...
Tuy nhiên, ngoài lợi ích ngăn kẻ say chạy xe, tôi còn thấy quy định này đang giúp nhiều người cai rượu bia.
Nước Đức không cấm rượu bia, họ có lễ hội bia Oktoberfest thuộc hàng lớn nhất thế giới, tuy vậy họ không uống triền miên mà thường chỉ uống vào những dịp cuối tuần hoặc lễ hội. Họ phạt rất nặng với những người có nồng độ cồn vượt mức cho phép mà lái xe lưu thông trên đường.
Nhiều nước phát triển khác cũng đã thành công trong việc nghiêm cấm việc lái xe mà có cồn trong máu hay ngăn chặn việc uống rượu thường xuyên, bởi vậy nên chúng ta có thể học họ để áp dụng vào thực tế đất nước, để từ đó có thể làm cho cuộc sống của người Việt Nam ngày một văn minh hơn.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.