Trong bài đăng trên tài khoản Telegram ngày 4/1, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố hai thành viên của nhóm đã kích hoạt đai bom tự sát nhắm vào đám đông tụ tập gần mộ tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Qasem Soleimani ở thành phố Kerman, đông nam Iran hôm 3/1.
Vụ đánh bom kép xảy ra gần nghĩa trang tại nhà thờ Hồi giáo Saheb al-Zaman ở thành phố Kerman khi đám đông tưởng niệm 4 năm ngày tướng Soleimani qua đời, khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và hơn 280 người bị thương.
Iran chưa bình luật về thông báo của IS, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho hay Mỹ không có lý do gì để nghi ngờ tuyên bố nhận trách nhiệm của nhóm khủng bố. Lầu Năm Góc trước đó cũng chỉ ra rằng vụ đánh bom kép này mang nhiều dấu hiệu của một kế hoạch khủng bố do IS thực hiện.
IS không cung cấp thêm thông tin chi tiết về diễn biến cũng như động cơ thực hiện vụ đánh bom, nhưng Aaron Zelin, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, cho hay ông không ngạc nhiên khi cuộc tấn công do các thành viên Khorasan (IS-K), một nhánh của IS ở Afghanistan, tiến hành.
Theo Zelin, IS, tổ chức Hồi giáo dòng Sunni, từ lâu đã nuôi dưỡng mối thù hận với người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số ở Iran, vốn bị nhóm này coi là "bội đạo", đi ngược lại các giá trị của đạo Hồi. Kể từ khi thành lập, IS đã tự nhận sứ mệnh của nhóm là tiêu diệt những người Hồi giáo "bội đạo", trong đó có cả người Shiite.
Trong khi đó, Iran là quốc gia có đông đảo người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, được lãnh đạo bởi một chính phủ thần quyền do các giáo sĩ Shiite dẫn dắt. Người Sunni và người Shiite từ lâu đã tranh cãi và căng thẳng về giáo lý, đặc biệt về việc ai là người kế thừa hợp pháp của nhà tiên tri Mohammed.
Kể từ khi trỗi dậy ở Iraq và Syria năm 2014, IS đã coi Iran là "kẻ thù không thể dung thứ", đặc biệt là sau khi nước này đã cùng với liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành các hoạt động quân sự chống lại IS. Chính tướng Soleimani là người đã xây dựng các mạng lưới dân quân Shiite ở Iraq và đích thân chỉ đạo các chiến dịch tiễu trừ IS ở quốc gia này.
Tháng 6/2017, IS tiến hành vụ tấn công táo bạo bên trong tòa nhà quốc hội Iran tại thủ đô Tehran, đồng thời đánh bom tự sát gần lăng mộ của cố lãnh đạo tối cao Ruhollah Khomeini, khiến 17 người thiệt mạng.
Đến tháng 9/2018, IS xả súng vào một cuộc duyệt binh tại thành phố Ahvaz, khiến 25 người chết.
Sau khi bị đánh bại ở Iraq và Syria năm 2019, tàn quân IS chạy trốn vào sa mạc. Năm 2021, nhóm này hứng chịu đòn giáng tiếp theo khi Taliban tiếp quản quyền lực ở Afghanistan và tăng cường truy quét IS-K, khiến các tay súng của nhóm phải chạy sang một số nước láng giềng để lẩn trốn.
Dù vậy, IS vẫn tiến hành các vụ tấn công ở nước ngoài để duy trì thanh thế và tìm cách gieo rắc hỗn loạn để có cơ hội trỗi dậy một lần nữa, trong đó Iran tiếp tục là mục tiêu. Tháng 10/2022, các tay súng IS tấn công một ngôi đền ở thành phố Shiraz của Iran, khiến 13 người thiệt mạng. IS tuyên bố vụ xả súng nhằm mục đích "tiêu diệt người Shiite".
Trong 5 năm qua, giới chức Iran đã phát hiện nhiều âm mưu khủng bố nhắm vào nước này, phần lớn nghi phạm bị bắt là thành viên IS-K đến từ các nước Trung Á hoặc là công dân Iran.
Việc bị truy quét gắt gao ở cả Iran lẫn Afghanistan khiến IS gần như "im hơi lặng tiếng" trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những xung đột và căng thẳng bùng phát gần đây ở Trung Đông liên quan chiến sự Gaza đã khiến IS cảm nhận được thời cơ để tái xuất.
Theo các chuyên gia, vụ đánh bom kép tại Iran có thể là một tính toán của IS nhằm "đổ dầu vào lửa" bất ổn ở Trung Đông, tạo điều kiện cho nhóm khủng bố trỗi dậy, điều họ đã từng làm trong cuộc khủng hoảng ở Iraq năm 2014.
"IS-K đã thể hiện cả ý định và khả năng tấn công các mục tiêu bên trong Iran", Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại tổ chức tư vấn an ninh Soufan Group, trụ sở tại New York, nói. "IS-K nhắm vào Iran bởi đây là cường quốc nổi bật nhất của người Shiite".
Clarke cho hay vụ đánh bom buổi lễ tưởng niệm tướng Soleimani hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của IS-K, bởi sự kiện này mang tính biểu tượng và tôn giáo cao. Mặt khác, tướng Soleimani là người có ảnh hưởng lớn, với tư cách người sáng lập trục Shiite do Tehran lãnh đạo trong khu vực.
Theo Gregory Brew, chuyên gia về Iran tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, cuộc tấn công của IS là một "thất bại an ninh nghiêm trọng" đối với Iran và Tehran sẽ phải đứng trước áp lực đáp trả nhằm khôi phục niềm tin về khả năng bảo vệ người dân.
"Nhiều khả năng sẽ có một cuộc điều tra toàn quốc kỹ lưỡng và một làn sóng truy quét, cùng với chiến dịch chống lại các nhóm chiến binh hoạt động bên trong Iran, có khả năng lan sang Afghanistan hoặc Syria, nơi IS và các chi nhánh đang hoạt động", ông nói thêm.
Vụ đánh bom kép ở Kerman không thể xảy ra vào thời điểm bấp bênh hơn. Xung đột Israel - Hamas ở Gaza đã làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực, đặc biệt là giữa Tel Aviv và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran như Hezbollah ở Lebanon, hay Houthi ở Yemen. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Đông sẽ sớm phải đối mặt với một cuộc xung đột lan rộng và hỗn loạn hơn.
Nhưng Iran không bao giờ muốn vướng vào một cuộc chiến quy mô lớn với Israel cùng đồng minh Mỹ, điều có thể đẩy quốc gia này vào bờ vực khủng hoảng. Việc IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công "có thể không ngăn được các chính trị gia Iran công kích Israel" nhưng nó sẽ khiến họ khó đổ lỗi trực tiếp cho Tel Aviv, Brew nói thêm.
"Xung đột leo thang, nếu có, dường như sẽ chỉ xảy ra giữa Israel và Mỹ với các lực lượng ủy nhiệm của Iran, thay vì với chính Tehran", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, NPR)