Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 19/8 cho hay các bên đang đứng trước "cơ hội cuối cùng" để đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và tháo ngòi nổ nguy cơ xung đột toàn diện ở Trung Đông. Mỹ kỳ vọng thỏa thuận hòa bình ở Gaza sẽ là tiền đề để Iran không tung đòn tấn công trả đũa Israel sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Tehran hôm 31/7.
"Bóng đang ở trên sân Mỹ và Israel", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố. "Mỹ phải cho thấy các cuộc đàm phán này là động thái chính trị nhằm đạt mục tiêu của riêng họ và câu giờ cho Israel, hay là nỗ lực tạo điều kiện thực chất để thiết lập lệnh ngừng bắn".
Trong gần ba tuần qua, Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông đã nhiều lần đe dọa sẽ giáng đòn mạnh mẽ vào Israel để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, cũng như chỉ huy quân sự Hezbollah Fuad Shukr ở Lebanon.
Hai vụ ám sát đã khiến nguy cơ bùng phát chiến tranh, vốn âm ỉ suốt nhiều tháng qua do căng thẳng trong khu vực, đã tăng lên đáng kể. Cả Mỹ và Israel đều đang hối hả lên kế hoạch chuẩn bị, nhằm ứng phó với đòn tập kích quy mô lớn từ Iran và các nhóm dân quân thân Tehran.
Nhưng điều đáng chú ý là ngay cả các quan chức có liên hệ với Iran và Lebanon cũng không biết Tehran và các nhóm vũ trang trong "Trục Kháng chiến" có thể thực hiện "cuộc trả đũa nghiêm trọng" như thế nào.
Trong các bài phát biểu truyền hình, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết đòn tập kích trả đũa là "không thể tránh khỏi", bác bỏ những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn nguy cơ chiến tranh bùng phát.
"Chúng tôi có thể hành động đơn độc hoặc cùng với nhóm khác", ông nói, ám chỉ đến mạng lưới nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn trải dài từ Iraq, Syria, Yemen và Lebanon. Một số nhà bình luận gọi liên minh vũ trang này là "vành đai lửa" bao quanh Israel.
Tuy nhiên, gần ba tuần đã trôi qua, đòn đáp trả của Iran và đồng minh chưa xảy ra. Israel vẫn tiếp tục nín thở chờ đợi, trong khi khu vực chuẩn bị cho nguy cơ xung đột lan rộng.
Truyền thông Iran tuần trước dẫn lời Ali Fadvi, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) rằng các mệnh lệnh của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei liên quan tới trừng phạt Israel là "rõ ràng và minh bạch", nhấn mạnh "chúng sẽ được thực hiện theo cách tốt nhất có thể", nhưng không nêu cụ thể.
Bên cạnh những lời đe dọa "mập mờ", cũng có những dấu hiệu cho thấy Iran đang trì hoãn viễn cảnh chiến tranh lớn hơn. Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết ông tin Hezbollah và Iran đã mắc kẹt trong lời thề trả thù của chính họ. Một số cho rằng thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng ở Gaza là lối thoát tốt nhất cho căng thẳng hiện tại.
Về mặt công khai, Iran bác bỏ ý tưởng này, nhưng giới quan sát cho rằng các lãnh đạo Tehran đang cân nhắc phương án có tấn công trả đũa hay không tùy thuộc vào tiến trình hòa đàm ở Gaza.
"Iran sẽ không dại dột thực hiện hành động tự hủy diệt. Tình hình kinh tế của nước này rất kém, khi đang phải phục hồi sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19. Nước này cũng hiểu rằng họ hiện tại có cơ hội trước cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ", tiến sĩ Eyal Pinko, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat, nói.
Tiến sĩ Pinko cho rằng Iran lo sợ kịch bản cựu tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, bởi Trump từng rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran. Điều này có thể thôi thúc họ tránh xa leo thang vào thời điểm hiện nay, vì không muốn tác động tiêu cực tới cuộc bầu cử.
"Trump vào Nhà Trắng có nghĩa Israel sẽ nhận được nhiều ủng hộ hơn. Họ hiểu Mỹ là cánh cổng kinh tế thế giới và các nước phương Tây sẽ nghe theo quyết định của Washington. Trump sẽ chỉ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn với họ, trong khi Harris, người được cho là ủng hộ Palestine, sẽ nới lỏng vòng kiềm tỏa", Pinko nói.
Dù ủng hộ Israel, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn "khoan hồng" hơn với Iran. Washington đã gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt với Tehran và cho phép nước này tiếp cận 10 tỷ USD từng bị phong tỏa.
Tiến sĩ Menahem Merhavy, chuyên gia về Iran và là nhà nghiên cứu tại Viện Harry S. Truman về Tiến bộ Hòa bình ở Jerusalem, tin rằng Iran đang theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị Mỹ, song không thấy lợi thế lớn nào với cả hai ứng viên tổng thống.
"Hiện tại lưỡng đảng Mỹ vẫn ủng hộ Israel. Bất chấp những bất đồng, ngay cả những người chỉ trích Israel cũng vẫn ủng hộ Tel Aviv vào thời điểm cần thiết. Iran không muốn bước vào một thập kỷ trừng phạt mới", ông nói.
Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian được coi là chính trị gia ôn hòa, mong muốn xoa dịu phương Tây hoặc ít nhất không làm họ thấy khó chịu. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến Iran chần chừ trừng phạt Israel.
Hậu quả của bất kỳ hành động trừng phạt nào đều rất khó lường. Giới quan sát cho rằng những thông điệp "nói mà chưa làm" từ Iran và đồng minh cho thấy họ dường như đều muốn tìm cách răn đe để ngăn bất kỳ cuộc tấn công nào vào Beirut hay Tehran trong tương lai, nhưng không châm ngòi cho cuộc chiến tranh toàn diện.
"Có khả năng Iran và Hezbollah nhận ra rằng chính thông điệp mập mờ về cách phản ứng là vũ khí mạnh nhất họ hiện có trong tay", Tamara Qiblawi, nhà phân tích của CNN, nói.
Thùy Lâm (Theo CNN, Medialine)