Chữ "T" trong tên ChatGPT là viết tắt của "Transformer", một công nghệ dành cho các mô hình ngôn ngữ lớn do phòng thí nghiệm của Google tạo ra. Năm 2019, Google được cấp bằng sáng chế cho công trình này, tức họ có thể sử dụng nó để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình cũng như ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi ChatGPT ra mắt và mô hình GPT-4 được ứng dụng vào đối thủ Microsoft Bing, Google chưa có động thái pháp lý nào để đối phó. Thay vào đó, công ty tung ra sản phẩm tương tự là Bard. Theo các chuyên gia, Google có thể sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc chiến pháp lý nào với các các công ty trong lĩnh vực AI mới vì chuyện kiện tụng sẽ rất khó. Họ sẽ ưu tiên dành tiềm lực để ứng dụng các công nghệ trên và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình hơn.
"Tôi nghĩ sẽ còn rất lâu để thấy bất kỳ xung đột pháp lý lớn nào. Các công ty công nghệ lớn đều đang chi rất nhiều tiền cho lĩnh vực này và tất cả đều biết rằng họ đang tuân theo cùng một chiến lược bằng sáng chế", Matthew D'Amore, giáo sư luật tại Đại học Cornell, cho biết.
Theo D'Amore, các công ty công nghệ lớn như Google và Microsoft thường tạo ra nhiều công nghệ và sở hữu rất nhiều bằng sáng chế, nhưng thường không thực thi chúng một cách gay gắt. Điều này là do các công ty có thể cùng tạo ra công nghệ tương tự nhau. Bằng sáng chế khi đó có thể được cấp, nhưng cũng sẽ bị đe dọa nếu được mang ra tòa.
Ví dụ, nếu Microsoft kiện Google vi phạm sáng chế, Google cũng có thể kiện ngược bằng một sáng chế khác. Những tranh chấp như vậy sẽ ngốn nhiều chi phí của cả đôi bên. Ngoài ra, nếu cáo buộc vi phạm ở phạm vi quá rộng hoặc không chính xác, tòa án có thể sẽ vô hiệu tòa bằng sáng chế này, theo D'Amore.
"Các bằng sáng chế thường được sử dụng như một biện pháp phòng thủ hơn là để tấn công đối thủ", trang Business Insider đánh giá. Đây cũng là lý do các gã khổng lồ công nghệ liên tục cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo và tìm kiếm, nhưng hiếm khi kiện nhau. Một số công ty như IBM còn coi việc cấp phép sử dụng bằng sáng chế của mình là một nguồn thu lớn.
Trong lĩnh vực AI, việc kiện cáo về lại càng khó khăn hơn, do phần lớn công nghệ đều không dễ nhìn thấy và đánh giá. Các công ty đề giữ kín công nghệ của mình. Nếu không thể kiểm tra mã nguồn của sản phẩm đối thủ, Google cũng khó có thể biết đối thủ vi phạm bằng sáng chế nào của mình.
"Bạn có thể mở một chiếc điện thoại và nhìn vào bên trong để kiểm tra. Nhưng bạn không dễ biên dịch lại một phần mềm", D'Amore nói, cho rằng Google sẽ có rất nhiều rào cản phải vượt qua, thậm chí còn phức tạp hơn cả thời kỳ cạnh tranh bằng sáng chế trên điện thoại thông minh.
Theo các chuyên gia, thay vì hành động pháp lý, Google có thể sẽ thay đổi triết lý chia sẻ của mình. Trước đây, họ nổi tiếng với việc cung cấp các nghiên cứu dưới dạng mã nguồn mở và các nhà nghiên cứu bên ngoài có quyền truy cập một phần vào công nghệ AI của Google và phát triển trên đó. Tuy nhiên những tháng gần đây, một số nguồn tin nội bộ cho biết công ty "sẽ hướng nội hơn", tức giữ các công nghệ độc quyền cho các sản phẩm thương mại vì lo ngại cạnh tranh.
Ngoài ra, một hướng khác có thể được Google sử dụng là chia sẻ bằng sáng chế. Ở thời kỳ smartphone bắt đầu phát triển, hãng đã ký với hàng loạt công ty, như Samsung, để chia sẻ bằng sáng chế về điện thoại thông minh nhằm tránh các kiện tụng trong tương lai.
Lưu Quý (theo Business Insider)