Thu Hoài (Hà Nội) vẫn còn nhớ 3 năm trước, chị bị thấp khớp cấp nhiễm trùng, tiền khám và xét nghiệm mất 450.000 đồng, nhưng tiền thuốc theo đơn thì nhiều gấp 4 lần. Mới đây, bệnh tái phát, Thu Hoài đến bệnh viện cũ, song điều khiến chị bất ngờ nhất là tiền thuốc chưa đến một triệu đồng. Đơn thuốc bác sĩ kê có 4 loại, trong đó thuốc chống viêm, kháng sinh đều do Việt Nam sản xuất. Uống hết đơn, bệnh của chị cũng khỏi dứt điểm.
Không chỉ ở bệnh viện, thuốc nội cũng được lòng người tiêu dùng trên kênh nhà thuốc. Tại một hiệu thuốc trên đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa), nhiều người chủ động đến tìm mua thuốc hạ sốt cho con, thuốc bổ gan, siro ho... của các thương hiệu lớn trong nước. Không ít dược sĩ cũng tư vấn cho người bệnh loại thuốc nội có hoạt chất tương đương, song giá thành "mềm" hơn.
Minh chứng cho thuốc Việt ngày càng được các bác sĩ, người bệnh ưa chuộng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới đây công bố những thành tựu tích cực tại Hội nghị tổng kết đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" ngày 18/7. Theo đó, năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tỉnh tăng lên 64%. Trên cả nước, thuốc nội đáp ứng 50% nhu cầu cho công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân.
Hiệu quả điều trị tương đương thuốc ngoại
Theo Cục Quản lý Dược, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Có 625 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.
Bộ Y tế cũng ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu. 62 thuốc tiêu biểu của Việt Nam thuộc 30 doanh nghiệp lớn trong nước đã được vinh danh "Ngôi sao thuốc Việt" nhờ đạt hiệu quả chữa bệnh cao.
Ngoài thuốc, 12/13 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng được sản xuất trong nước. Cả nước hiện có 4 đơn vị sản xuất vắc xin, mỗi năm cung cấp 30 triệu liều phòng 14 bệnh cho toàn dân. Với việc các bậc phụ huynh có con nhỏ tin dùng vắc xin trong nước tự sản xuất, Việt Nam đã thanh toán các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh... và giảm hàng trăm lần tỷ lệ mắc các bệnh khác.
Kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào
Nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng thuốc Việt. Với các loại thuốc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, định kỳ, Cục Quản lý Dược đều công bố Danh mục dược chất, bán thành phẩm để sản xuất thuốc theo hồ sơ đăng ký. Toàn bộ quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo tính hiệu quả, độ an toàn cho sản phẩm.
Ngành dược cũng có nhiều thuốc đông dược 20-40 năm tuổi do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất từ nguồn dược liệu thiên nhiên trong nước. Để hiện đại hóa nền y học cổ truyền, khai thác, bảo tồn nguồn dược liệu quý, nhiều doanh nghiệp như Traphaco đã tiên phong xây dựng vùng trồng 800ha cho hơn 10 loại dược liệu chủ lực tại 28 tỉnh. Trong đó, vùng trồng 5 dược liệu đinh lăng, rau đắng đất, actiso, bìm bìm, chè dây đã đạt chứng nhận GACP- WHO. Hiện, mỗi năm, Traphaco sử dụng 4.000 tấn dược liệu, hơn 90% được nuôi trồng, thu hái trong nước.
Công nghệ sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" do Bộ Y tế phát động được ví như cú hích giúp các doanh nghiệp dược trong nước mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất và chuyển giao công nghệ nước ngoài. Hiện, cả nước có đến 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt GMP-WHO của Tổ chức Y tế Thế giới, 11 nhà máy đạt chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S.
Năm 2017, Traphaco đưa vào hoạt động thêm một "nhà máy tân dược thông minh 4.0" đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Nhà máy có diện tích hơn 4,6 ha, tổngvốn đầu tư 477 tỷ đồng, công suất 1,2 tỉ đơn vị sản phẩm mỗi năm. Các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi của Traphaco đến tay người dân đều sản xuất tự động hóa bằng công nghệ hiện đại. Trong khi dây chuyền sản xuất thuốc viên bằng hệ thống liên hoàn, vận hành bằng cánh tay robot đạt chuẩn châu Âu.
Đầu năm 2019, Dược Hậu Giang cũng nâng cấp thành công 2 dây chuyền sản xuất thuốc bột sủi bọt, viên nén đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và Japan-GMP. Doanh nghiệp này còn cử nhân sự ra nước ngoài đào tạo, mời chuyên gia Nhật tới Việt Nam chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đấu thầu thuốc generic.
Đẩy mạnh nghiên cứu cho ra đời thuốc mới chất lượng cao, giá thành cạnh tranh với thuốc ngoại, mang giá trị của Việt Nam hiện là chiến lược ưu tiên hàng đầu của các công ty dược nội địa. Người dân sẽ được hưởng lợi trước tiên khi các mặt hàng thuốc ngày càng phong phú, giá cả phù hợp hơn khi điều trị.
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, Cục Quản lý Dược cho biết sẽ đồng hành sát sao nhằm đưa thuốc Việt tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Lê Nguyễn