Khi đại dịch ngày càng lây lan mạnh trên thế giới, đôla Mỹ cũng tăng giá theo và liên tiếp lập kỷ lục. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phải can thiệp bằng cách tăng hợp tác với các ngân hàng trung ương khác nhằm đảm bảo nguồn cung đôla Mỹ ổn định trên toàn cầu.
Vì sao đôla Mỹ tăng giá?
Nhà đầu tư có xu hướng mua đôla trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và thị trường tài chính biến động, do đồng tiền này được coi là tài sản an toàn. Cũng như việc các gia đình tích trữ nhu yếu phẩm, nhà đầu tư và các công ty, đặc biệt là ngân hàng và quỹ đầu tư, tích trữ đôla Mỹ để vượt qua thời kỳ khó khăn. Nhu cầu này gần đây đột ngột tăng cao, khiến đôla Mỹ trên thế giới đắt đỏ và thiếu hụt.
Từ đầu tháng này, các thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng vậy. Cùng một lúc, giới chức phải giải quyết hai vấn đề. Chứng khoán và lợi suất trái phiếu đi xuống là dấu hiệu thị trường đang chịu sức ép.
Việc này thôi thúc các công ty tích trữ đôla Mỹ để bù đắp doanh thu thiếu hụt. "Mọi người đang tìm đến tài sản an toàn nhất có thể. Và đó là đôla Mỹ", Nick Maroutsos – Giám đốc Trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson nhận xét, "Không có nơi nào để trú ẩn hết. Mọi người đang nhận ra rằng họ cần phòng thủ càng chắc càng tốt, tức là phải nắm giữ tiền mặt và một số tài sản hết mức có thể".
Đây liệu có phải là vấn đề hay không?
Đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ và phương tiện thanh toán chính của thế giới. Tức là nó hiện diện trong hầu hết hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.
Tổng quy mô thị trường nợ phát hành bằng đôla Mỹ toàn cầu hiện vào khoảng 12.000 tỷ USD, tương đương 60% GDP Mỹ. Điều này có nghĩa rất nhiều công ty và chính phủ trên thế giới có các khoản nợ bằng đôla Mỹ phải trả trong bối cảnh doanh thu đi xuống và các nền kinh tế đình trệ.
Áp lực có thể nhận thấy thông qua một trong những thước đo nhu cầu đồng đôla. Đó là hợp đồng hoán đổi tiền tệ. Nhà đầu tư tuần này sẵn sàng trả mức phí cao chót vót để vay đôla Mỹ, cao hơn hẳn trước đó vài ngày.
"Cũng như việc không quốc gia nào trên thế giới có thể miễn nhiễm với nCoV, thì không nền kinh tế nào lành lặn nếu thị trường vốn bằng đôla Mỹ sụp đổ", Brad Setser – chuyên gia kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định.
Nếu điều này xảy ra, Mark McCormick – Giám đốc Chiến lược Hối đoái tại TD Securities cho rằng vấn đề thanh khoản có thể biến thành vấn đề về khả năng trả nợ. "Đồng đôla là trung tâm của quá trình này. Việc nó mạnh lên phản ánh sự mất cân đối giữa cung và cầu", ông nhận định.
Fed đã làm gì?
Fed đã thiết lập các kênh hoán đổi đôla Mỹ với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Anh khi đại dịch ngày càng tác động mạnh lên các thị trường. Việc này cho phép họ cung cấp trực tiếp đồng đôla cho ngân hàng trung ương các nước để đổi lấy nội tệ của họ, nhằm tăng nguồn cung đôla tại các thị trường này.
Dù vậy, việc này vẫn chưa chặn lại được đà tăng giá của đôla Mỹ. Fed hiện đã phải bổ sung thêm 9 quốc gia, kể cả các nền kinh tế mới nổi, vào danh sách hoán đổi tiền tệ. Họ muốn ngăn áp lực hiện tại biến thành một cuộc khủng hoảng.
"Các công cụ này được thiết kế nhằm giảm sự thiếu hụt trên thị trường đôla toàn cầu, từ đó giảm thiểu tác động của việc này lên nguồn cung tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong và ngoài nước", Fed cho biết trong thông báo.
Việc này từng xảy ra trước đây. Trong khủng hoảng tài chính 2008, Fed đã mở rộng hoạt động hoán đổi tiền tệ với các quốc gia trong G10 và hàng loạt nền kinh tế mới nổi, như Brazil hay Mexico.
Việc này liệu có tác dụng?
Theo Calvin Tse – Giám đốc Chiến lược Ngoại hối Bắc Mỹ tại Citigroup, đợt hoán đổi tiền tệ đầu tiên đã "có tác động lớn" tại các nước được triển khai. "Ngăn thêm một cú sốc nữa thôi, kịch bản tồi tệ nhất sẽ bị đẩy lùi", ông nhận xét.
Tuy nhiên, chi phí vay đôla vẫn cao với các nước không được tiếp cận chương trình này. Bên cạnh đó, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Để giảm áp lực trên thị trường vốn bằng đôla Mỹ, Tse cho rằng tâm lý trên các thị trường tài chính phải trở về trạng thái bình thường đã.
"Khi tình hình còn nhiều bất ổn, mọi người còn lo lắng về tăng trưởng kinh tế và sức khỏe, thị trường tín dụng sẽ vẫn chịu sức ép", ông kết luận.
Hà Thu (theo Financial Times)