Tiêm kích F-35A của Mỹ tại căn cứ Kadena, Nhật Bản
Trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng 3, đại úy Brock McGehee, phi công lái tiêm kích F-15 Mỹ, cho biết trong các cuộc diễn tập tại căn cứ Kadena ở Nhật, tiêm kích tàng hình F-35 nhiều lúc vẫn thất bại trong các cuộc không chiến với chiến đấu cơ thế hệ 4 do ông điều khiển, theo Business Insider.
Tuyên bố này của McGehee củng cố nhận định của nhiều người rằng tiêm kích thế hệ 5 vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn những điểm hạn chế để tăng cường khả năng không chiến.
Sau khi được triển khai đến Nhật Bản hồi tháng 10 năm ngoái, phi đội 12 chiếc F-35A của Mỹ thường xuyên luyện tập các tình huống không chiến với tiêm kích F-15, chiến đấu cơ thế hệ 4 ra đời từ thập niên 1970. Các bài tập này đòi hỏi phi công F-35 phải thực hành các động tác cơ động cơ bản như rẽ ngoặt, vọt cao và lấy góc tấn cao để chiếm lợi thế trước đối phương khi chiến đấu tầm gần.
Các chuyên gia quân sự cho rằng thiết kế nguyên gốc của dòng F-35 khiến nó thiếu khả năng đánh quần vòng như các tiêm kích đời cũ, dù được hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong không chiến.
Năm 2015, một phi công thử nghiệm tiết lộ F-35 không thể ngoặt gấp hoặc kéo cao nhanh như máy bay thế hệ 4. Những chiếc F-16 mang theo các thùng dầu phụ nặng nề vẫn dễ dàng đánh bại siêu tiêm kích F-35. Từ đó đến nay, F-35 đã được khắc phục nhiều lỗi kỹ thuật và được cập nhật phần mềm, nhưng vẫn chưa thể đánh bại hoàn toàn tiêm kích đời cũ khi chạm mặt.
Cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ David Berke giải thích rằng tiêm kích thế hệ 4 như F-15 đã trải qua hàng chục năm phát triển và hoàn thiện, cho phép phi công tận dụng tối đa sức mạnh của chúng. Trong khi đó, mẫu F-35 chưa phát huy được hết tiềm năng thực sự.
Kể từ khi ra đời vào thập niên 1970, F-15C đã giữ vai trò tiêm kích chiếm ưu thế trên không chủ lực của không quân Mỹ cho đến khi F-22 ra mắt vào năm 2005. Trong suốt thời gian đó, F-15C giữ kỷ lục chiến đấu đáng kinh ngạc, khi chưa máy bay nào bị mất khi tham chiến.
Các tiêm kích F-35 ở Kadena đã được nâng cấp phần mềm Block 3F mới nhất, gói phần mềm chiến đấu toàn diện cho phép máy bay tăng đáng kể khả năng cơ động. Tuy nhiên, F-35 vẫn gặp bất lợi khi đối đầu với các chiến đấu cơ đời cũ, do bản thân nó không được phát triển chuyên biệt cho vai trò không chiến tầm gần.
"Giới hạn lớn nhất của F-35 là phi công vẫn áp dụng phương pháp điều khiển và bài bản tác chiến của tiêm kích thế hệ trước", ông Berke nói.
Đại úy McGehee cũng cho rằng yếu tố kỹ thuật chỉ là một phần trong thất bại của F-35 trước F-15. "Chúng tôi có những phi công F-15 thực sự tài năng, có thể chiếm ưu thế trước rất nhiều phi công khác. Một khi phi công hiểu rõ máy bay của mình và thuần thục kỹ năng, anh ta sẽ trở nên lợi hại hơn rất nhiều dù điều khiển loại máy bay nào", ông nói.
McGehee cũng thừa nhận F-35 có lợi thế vượt trội so với F-15 là khả năng tàng hình và nhận thức chiến trường tầm xa. "Việc bay mò mẫm với một chiếc tiêm kích vô hình đâu đó gần bạn quả là đáng sợ", phi công này thừa nhận. "Phi công F-35 đều là những người giỏi, có nhận thức tình huống rất tốt".
Các chuyên gia cho rằng phi công F-35 hoàn toàn có thể tận dụng khả năng tàng hình để tránh radar đối phương, sau đó tung đòn đánh bất ngờ bằng tên lửa tầm xa, không cho tiêm kích thế hệ 4 có cơ hội không chiến tầm gần.
Duy Sơn