Triều Tiên hôm 2/3 lần đầu tiên phóng thử vũ khí tầm ngắn trong ba tháng. Quân đội Hàn Quốc cho rằng đây là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nhưng truyền thông Triều Tiên sau đó cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc diễn tập khai hỏa pháo phản lực siêu lớn.
Nhà Xanh ngay lập tức triệu tập một cuộc họp các bộ trưởng liên quan đến vấn đề an ninh, bày tỏ quan ngại về vụ thử vũ khí và kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hoạt động gây căng thẳng.
Một ngày sau, Kim Yo-jong, 32 tuổi, phó chủ nhiệm thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, lần đầu ra tuyên bố, nói rằng Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Triều Tiên khi chính họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng hay chung với Mỹ. Cô cho rằng việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là một "hành động thực sự vô nghĩa" và "hoàn toàn ngu ngốc", so sánh động thái này như "con chó sủa trong sợ hãi".
"Triều Tiên dường như tức giận vì họ cho rằng chỉ thực hiện cuộc diễn tập thường kỳ với mục đích phòng vệ và đã thu nhỏ quy mô trong bối cảnh lo ngại về Covid-19 đang gia tăng. Thế nhưng Nhà Xanh vẫn lên án hoạt động của họ như mọi khi và yêu cầu họ dừng các cuộc diễn tập như vậy", Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Đại học Kyungnam, nói.
"Tuyên bố đầu tiên của Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Kim Jong-un, nên được hiểu là chỉ dấu cho sự bất mãn mạnh mẽ nhất của ông Kim đối với chính phủ Hàn Quốc", ông nói thêm.
Vụ phóng pháo phản lực siêu lớn hôm 2/3 là lần đầu tiên Triều Tiên thử vũ khí sau khi Kim Jong-un hồi đầu năm đe dọa đưa ra "vũ khí chiến lược mới" và tiến hành "hành động gây sốc" trong tương lai gần. Ông Kim tuyên bố mình không còn bị ràng buộc bởi cam kết dừng thử tên lửa đạn đạo tầm xa và vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên tiến hành 13 cuộc thử nghiệm vũ khí lớn vào năm ngoái nhưng đã hạn chế hoạt động quân sự trong những tháng gần đây, trong bối cảnh Covid-19 lây lan trên toàn cầu. Triều Tiên không tiết lộ chi tiết vũ khí được thử nghiệm, nhưng những bức ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy nó tương tự loại được thử nghiệm năm ngoái.
"Có vẻ Triều Tiên đã giảm đáng kể quy mô diễn tập", Hong Min, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nói. "Các quả đạn được bắn từ pháo phản lực siêu lớn, nối tiếp các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành từ tháng 9 năm ngoái và không có vũ khí mới nào được công bố".
"Điều đáng chú ý là cách truyền thông Triều Tiên đưa tin về hoạt động này. Thông thường họ sẽ đính kèm những thông điệp nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ, nhưng lần này bản tin của họ tương đối đơn giản, chỉ mô tả ông Kim đã giám sát và thể hiện sự hài lòng", ông nói thêm.
Vì vậy, từ quan điểm của Bình Nhưỡng, phản ứng của Seoul là hoàn toàn vô lý, Hong Min đánh giá.
Giới chuyên gia nhận xét tuyên bố của Kim Yo-jong cho thấy sự bất mãn kéo dài của Triều Tiên với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cho rằng Seoul đã thiếu nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều vì sợ làm phật lòng Washington.
Kim Yo-jong đã tháp tùng Kim Jong-un trong các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Cô đóng vai trò là đặc phái viên của Kim Jong-un đến Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang năm 2018, thúc đẩy nhanh chóng quan hệ ngoại giao giữa hai miền.
Tuy nhiên, quan hệ liên Triều bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào tháng 2/2019 không đạt được kết quả. Kể từ đó, Bình Nhưỡng kêu gọi Seoul từ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và củng cố quan hệ kinh tế liên Triều, nhưng Hàn Quốc từ chối. Các hoạt động trao đổi liên Triều cũng bị đình trệ vì Bình Nhưỡng không đáp ứng đề nghị của Seoul như nới lỏng kiểm soát đi lại đến Triều Tiên hay phối hợp chống Covid-19.
Bình Nhưỡng đã chỉ trích Seoul trì hoãn thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo song phương đạt được trong ba hội nghị thượng đỉnh năm 2018. "Vì không có thỏa thuận hay đề xuất nào được thực thi, sự tức giận của Triều Tiên dường như đã sục sôi", Hong nói. "Nhưng sự tức giận này không phải là bột phát mà nó phản ánh sự bất mãn âm ỉ từ lâu với Hàn Quốc".
"Kim Yo-jong vốn là người có hình ảnh ôn hòa, từng đóng vai trò là một sứ giả thân thiện và mềm mỏng với Hàn Quốc. Việc để cô đưa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ như vậy cho thấy Triều Tiên đang gia tăng áp lực với Hàn Quốc", Go Myong-hyun, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, nói.
Tuyên bố này cũng có thể báo hiệu rằng vị thế của cô đã gia tăng trong chính quyền Triều Tiên. Các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc cho biết cô Kim là người phụ trách công tác tuyên giáo của Triều Tiên.
"Tuyên bố của Kim Yo-jong cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của cô đã mở rộng đến mức cô có thể bày tỏ ý kiến với bên ngoài và vượt ra ngoài vai trò hỗ trợ anh trai Kim Jong-un trong các hoạt động công khai", Cheong Seong-Chang, chuyên gia từ Viện Sejong của Hàn Quốc, nói.
"Nếu cô ấy tiếp tục đưa ra những phát biểu lên án trực tiếp Mỹ, đó sẽ là sự xác nhận rằng cô đã trở thành người quyền lực thứ hai sau anh trai", Go nói thêm.
Phương Vũ (Theo Yonhap/Aljazeera)