Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia và từng địa phương, trong dịp Tết Nguyên đán, 8 tỉnh thành có doanh thu du lịch trên 1.000 tỷ đồng là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh, Lào Cai và Ninh Bình. Cùng kỳ năm trước, có ba tỉnh thành đạt doanh thu nghìn tỷ. Sự xuất hiện của Ninh Bình năm nay trong top 8 với doanh thu đạt gần 1.100 tỷ đồng và đón hơn 700.000 lượt khách, được các chuyên gia đánh giá là "quả ngọt".
Theo Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, các hoạt động và lễ hội phục vụ du khách tại Ninh Bình trong dịp Tết Ất Tỵ năm nay đa dạng với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật. So với năm ngoái, có thể thấy sự cải thiện về quy mô tổ chức và chất lượng dịch vụ.
Tổng giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết du khách Việt hiện có xu hướng không chỉ đi lễ mà còn du xuân. Ninh Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách miền Bắc: khoảng cách với các tỉnh thành lân cận gần, giao thông thuận tiện, có đền chùa lại có cả nơi vãn cảnh. Các điểm tham quan nổi tiếng gồm quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính, cố đô Hoa Lư, hang Múa, Tam Cốc Bích Động, Tuyệt Tình Cốc, Thung Nham, Vườn quốc gia Cúc Phương.
![Du khách ngồi đò Ninh Bình dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Minh Đường](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/06/2-1738774780-4777-1738774940.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MFLl60MIfObXlkcvO3fSVA)
Du khách ngồi đò Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh Đường
Chi phí du lịch tại Ninh Bình ổn định, ít hiện tượng chặt chém, giá cả phải chăng, đồ ăn ngon với nhiều đặc sản như dê núi, cơm cháy. Lượng cung về cơ sở lưu trú cũng tương đối lớn với nhiều homestay, khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao nên hiếm khi có tình trạng cháy phòng, khách không có nơi ở.
Thời tiết thuận lợi của dịp Tết năm nay cũng góp phần giúp Ninh Bình thu hút nhiều du khách. Khách đến nhiều, doanh thu tăng cao "là điều tất nhiên".
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết để đạt được doanh thu gần 1.100 tỷ đồng dịp Tết Ất Tỵ, tăng gần 30% so với Tết 2024, tỉnh đã có chuẩn bị cụ thể từ trước. Ngoài các hoạt động nhằm thu hút du khách, tỉnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tôn tạo và nâng cấp các khu, điểm đến cũng như phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao.
Trước đó, Ninh Bình tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế nhằm quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa địa phương. Tỉnh cũng tích cực xúc tiến, tham gia quảng bá du lịch với bạn bè quốc tế tại nhiều nước như Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn giám sát, kiểm tra chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch và xử lý vi phạm kịp thời, nhằm nâng cao hình ảnh và uy tín với du khách trong, ngoài nước.
Tình trạng lái đò ở Tam Cốc hoặc Tràng An "xin" tiền tip của du khách là vấn đề ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Ninh Bình. Ông Mạnh cho biết ngành du lịch đã có giải pháp khắc phục tình trạng này như thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, đào tạo ứng xử văn minh du lịch cho người dân làm du lịch. Tỉnh cũng chỉ đạo Ban quản lý các khu, điểm du lịch thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt theo quy định và tổ chức tuyên truyền với du khách về việc không bắt buộc phải tip. Tỉnh cũng cung cấp đường dây nóng, mã QR để du khách kịp thời phản ánh khi gặp các hiện tượng tiêu cực.
Ông Mạnh cho biết dịp Tết Nguyên đán, trung bình mỗi khách nội địa chi tiêu khoảng hơn 1,5 triệu đồng một người. Khách quốc tế tiêu gấp hơn 2 lần, tương đương 3,5 triệu đồng một người. Phần lớn các chi tiêu tập trung vào hoạt động tham quan thắng cảnh, lưu trú, ăn uống và mua sắm quà tặng, các sản phẩm OCOP. Công suất sử dụng buồng dịp này bình quân đạt 80-85%.
"15 năm trước, mọi người hay gọi Ninh Bình là 'Ninh buồn', vì nơi này buồn thật, không có gì để chơi", ông Đạt của AZA Travel cho biết. Tuy nhiên, hiện nay, du khách đổ xô đến tỉnh để tham quan giải trí. Ninh Bình chủ động tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút du khách như Tuần du lịch Ninh Bình - Sắc vàng Tam Cốc, chợ đêm, tái hiện khu phố cổ Hoa Lư để du khách đến mặc đồ cổ trang, trải nghiệm đời sống nông thôn. Các hoạt động của tỉnh được các chuyên gia đánh giá "mang lại hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ".
Tết Nguyên đán trùng với mùa cao điểm khách quốc tế. Năm 2024, Việt Nam "thắng lớn" khi thu hút 17,6 triệu lượt khách quốc tế ghé thăm, tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 đạt 98%, cao nhất Đông Nam Á. Trong đó, Hà Nội hút 30% lượng khách quốc tế trên cả nước. Ngoài Quảng Ninh, Ninh Bình đang dần trở thành trung tâm du lịch thu hút khách quốc tế khi đến miền Bắc với tam giác mới hình thành Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long. Hầu hết khách quốc tế đến Hà Nội đều kết hợp ghé thăm Ninh Bình.
![Khách ngồi thuyền trên sông Ngô Đồng, Tam Cốc - Bích Động năm 2024. Ảnh: Lê Hoàng](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/06/7-2-1738810027-1738810160-4445-1738810433.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H-2Dqi0rrt0Whnvl3SVE4A)
Khách ngồi thuyền trên sông Ngô Đồng, Tam Cốc - Bích Động, năm 2024. Ảnh: Lê Hoàng
Chính sách phù hợp trong việc phát triển kinh tế du lịch cũng như khai thác tài nguyên và nhiều nhà đầu tư lớn cũng giúp Ninh Bình đạt doanh thu cao.
Giám đốc Sở Bùi Văn Mạnh cho biết năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón 1,85 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng và nằm trong top 10 cả nước. Ninh Bình cũng hướng tới đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh định hướng phát triển du lịch bền vững, dựa vào cộng đồng, tôn trọng và bảo tồn tối đa các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa. Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm homestay, giúp du khách tìm hiểu sâu cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của cộng đồng địa phương.
Doanh thu du lịch nghìn tỷ đồng dịp Tết Ất Tỵ của Ninh Bình không phải là kết quả bất ngờ. "Ninh Bình đang tận hưởng trái ngọt sau nhiều năm đi đúng hướng và có chiến lược phát triển du lịch rõ ràng", ông Đạt nói.
Phương Anh