Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Vườn quốc gia Cúc Phương

Vườn Quốc gia Cúc Phương (rừng Cúc Phương) là khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng nằm trên ranh giới ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, cổng chính của vườn nằm ở huyện Nho Quan, Ninh Bình. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây.

Vườn quốc gia Cúc Phương còn là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, thu hút vài trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Du khách đến Cúc Phương để khám phá hệ động thực vật, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, tour mạo hiểm, nghiên cứu văn hóa lịch sử. Cúc Phương từng được World Travel Awards vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp từ 2019 đến 2023.

Con đường chính dẫn vào trung tâm Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Ngọc Thành

Khí hậu

Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng của miền Bắc, nhiệt độ trung bình năm là 24,7 độ C. Với địa hình đa dạng, trong đó chủ yếu là rừng nguyên sinh, nên nhiệt độ thấp hơn các khu vực lân cận. Du khách có thể đến Cúc Phương vào nhiều thời điểm trong năm. Mùa khô (từ tháng 9 đến tháng 12) thích hợp để trekking trong rừng, cắm trại. Mùa mưa (tháng 4-5) là mùa bướm trắng và đom đóm bay rợp trời.

Di chuyển

Vườn quốc gia Cúc Phương nằm cách Hà Nội gần 130 km, đường đi thuận tiện, khoảng 2,5 đến 3 tiếng. Du khách có thể di chuyển theo CT01, sau đó vào QL1A tại Phủ Lý rồi theo DT477. Một lựa chọn khác là đi theo đường Hồ Chí Minh.

Từ thành phố Ninh Bình, du khách đi qua Tràng An đến chùa Bái Đính (15 km) sau đó đi theo đường phía sau bãi đỗ xe của khu Bái Đính đến Cúc Phương (khoảng 25 km). Đường rộng, ít phương tiện giao thông.

Vườn tổ chức một chuyến xe khách chạy tuyến Cúc Phương - Hà Nội, loại xe 35 chỗ. Xe khởi hành từ bến Giáp Bát đến Cúc Phương lúc 15h và chiều ngược lại từ 9h. Các tuyến xe khách khác chạy từ bến Mỹ Đình và Giáp Bát.

Cổng Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: VQG Cúc Phương

Lưu trú

Vườn quốc gia Cúc Phương có lượng lớn phòng lưu trú phục vụ du khách qua đêm, nằm ở nhiều khu vực gồm cổng vườn, hồ Mạc và trung tâm.

Khu cổng vườn

Đây là địa điểm khởi đầu cho các hoạt động trong vườn. Phòng ở tại đây được chia làm 4 loại, giá từ 350.000 đồng đến một triệu đồng một đêm, tùy thời điểm trong tuần và dịp lễ Tết.

Khu hồ Mạc

Nằm cách cổng vườn hơn một km với nhà sàn tập thể, phòng nghỉ cho thuê, khu vực hồ Mạc thích hợp cho các hoạt động đông người, có thể đốt lửa trại, biểu diễn văn nghệ. Giá phòng dao động từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng tùy loại và thời điểm trong tuần. Nhà sàn dành cho các đoàn khách có giá từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng một đêm.

Khu trung tâm Bống

Đây là điểm cuối trong Vườn quốc gia, du khách có thể đến bằng ôtô và các phương tiện giao thông khác, cách cổng vườn 20 km. Tại đây cũng có các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi. Tuy nhiên, điện chỉ có 4 tiếng buổi tối. Giá phòng 350.000 đồng đến 400.000 đồng, nhà sàn từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu đồng một đêm.

Khu vực trung tâm rừng (trung tâm Bống). Ảnh: VQG Cúc Phương

Bên ngoài vườn, du khách có thể đặt phòng tại Cuc Phuong Hotel, Cuc Phưong Resort and Spa hay Wyndham Grand Vedana Ninh Binh nằm cách cổng vườn khoảng 2-3 km. Giá phòng dao động 500.000 đồng đến hai triệu đồng một đêm.

Điểm tham quan

Trung tâm du khách

Là điểm dừng chân đầu tiên, Trung tâm du khách cung cấp thông tin về Vườn quốc gia, những thông điệp về bảo tồn thiên nhiên, các loài động vật hoang dã. Từ đây, du khách sẽ hình dung và xây dựng lịch trình tham quan, tìm hiểu và khám phá Cúc Phương phù hợp thời gian và sức khỏe, đồng thời nâng cao nhận thức về cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Các chương trình cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã

Khu trưng bày và giới thiệu các chương trình cứu hộ động vật hoang dã tại Cúc Phương. Ảnh: Ngọc Thành

Cúc Phương có chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp, chương trình bảo tồn rùa, thú ăn thịt và tê tê cùng nhiều loại động vật quý hiếm khác. Trong đó, công tác cứu hộ và chăm sóc linh trưởng nổi tiếng khắp thế giới. Cúc Phương còn là nơi cứu hộ và bảo tồn rùa chuyên biệt duy nhất tại Việt Nam. Ngoài ra chương trình đang cứu hộ, nuôi dưỡng nhiều loài thú ăn thịt nhỏ quý hiếm như cầy vằn, mèo rừng, cầy mực, rái cá.

Bảo tàng Cúc Phương

Bảo tàng Cúc Phương là địa điểm tham quan, nghiên cứu các mẫu vật cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn động, thực vật. Hiện bảo tàng đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản bò sát răng phiến có niên đại 230-250 triệu năm trước, 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2.900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.

Vườn thực vật

Vườn thực vật Cúc Phương là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh lục vườn thực vật quốc tế, là nơi phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, học tập và tham quan du lịch. Đây là khu vực được xây dựng nhằm sưu tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và thế giới. Tuyến đường thăm vườn có quãng đường đi bộ 3 km.

Khu vườn thực vật. Ảnh: VQG Cúc Phương

Đỉnh Mây Bạc

Đây là đỉnh núi cao nhất vườn quốc gia Cúc Phương, với độ cao 648 m so với mực nước biển. Từ trung tâm, du khách đi khoảng 3 km để leo lên đỉnh. Đứng trên đỉnh, có thể ngắm nhìn toàn cảnh của vườn quốc gia và cả cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính. Để đi lên đỉnh núi, thì du khách cần chuẩn bị trang phục phù hợp và đảm bảo sức khỏe vì có nhiều dốc đá gây khó khăn cho việc di chuyển. Tuyến đường này nên có hướng dẫn viên của Vườn đi cùng. Thời gian đi về khoảng 4 tiếng.

Đỉnh Mây Bạc. Ảnh: VQG Cúc Phương

Động Người xưa

Hang động cách cửa rừng khoảng 4 km, là nơi lưu giữ những dấu tích sinh sống và mộ táng của người tiền sử, là trang văn hoá trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nơi đây cũng là một di sản quý giá nằm trong phạm vi bảo vệ của rừng Cúc Phương. Động có nhũ đá, nếu bạn thử gõ vào sẽ phát ra âm thanh như tiếng cồng chiêng. Du khách đi bộ 300 m từ đường chính. Thời gian tham quan từ 30 phút đến một tiếng. Vườn chỉ cho phép tham quan nơi này khi trời sáng.

Cửa vào động Người Xưa. Ảnh: Dragon Travel

Hồ Yên Quang - Động Phò Mã

Hồ Yên Quang là hệ thống 4 hồ lớn, trên hồ có một hòn đảo nhỏ và một ngôi miếu. Có rất nhiều loài chim nước hay bay đến đây. Ngoài ra, khi nhìn xuống mặt hồ, du khách có thể thấy rõ từng rừng cây, vách núi in bóng. Gần với hồ Yên Quang là động Phò Mã. Ngay bên ngoài cửa động là khối nhũ đá có hình dáng giống một vị phò mã.

Tại hồ Yên Quang và hồ Mạc, có dịch vụ chèo thuyền kayak được giới trẻ yêu thích.

Cây chò nghìn năm tuổi

Cây chò chỉ nghìn năm tuổi. Ảnh: Hữu Nghị

Cây chò đại thụ cao 70 m, thân thẳng, đường kính 5 m. Cây chò này có hai thân, phần gốc lớn, chu vi khoảng 20 người ôm. Khoảng 5-6 năm nay, cây đã chết khô, mục rỗng, nguyên nhân được cho là đã quá già cỗi. Dù vậy, cây vẫn đứng thẳng.

Đây được coi là điểm tham quan không thể bỏ qua ở Cúc Phương. Từ trung tâm, theo một con đường mòn trong rừng già để đến cây chò, du khách sẽ gặp dây leo bàm bàm khổng lồ với đường kính gốc 0,5 m, chạy dài một km vắt ngang rừng và loài đa bóp cổ. Hạt nảy mầm trên các hốc cây khác. Khi rễ bám đất, chúng phát triển rất nhanh.

Trên đường vào cây chò có động Sơn Cung. Thời gian cả đi và về cho tuyến này hết gần 3 tiếng.

Cây đăng cổ thụ

Cây đăng cao 45 m, đường kính 5 m có bộ rễ nổi trên mặt đất chạy dài chừng 20 m. Từ cổng theo đường ôtô, qua động Người Xưa hai km, phía bên trái là đường dẫn đến cây đăng cổ thụ. Trên đường du khách sẽ vượt qua năm dốc đá, với nhiều quần thể thực vật như cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa) là những dây leo thân gỗ đường kính 20-30 cm dài khoảng 100 m hay các loài chim quý như nuốc bụng đỏ, gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như đon, sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng.

Cây sấu cổ thụ

Đây là cây đại thụ cao 45 m, hệ thống rễ bạnh vè được phân ra từ thân cây ở độ cao khoảng 10 m rồi phát triển chạy dài 20 m. Trên đường đến cây sấu, du khách cũng được chiêm ngưỡng những dây leo thân gỗ, những loài thực vật phụ sinh như tầm gửi, tổ diều, phong lan, các loài chim như gõ kiến đầu đỏ, đuôi cụt bụng vằn.

Bộ xương bò sát răng phiến hoá thạch

Đây là hóa thạch bò sát răng phiến đầu tiên được phát hiện ở Đông Nam Á, gồm 12 đốt sống nguyên vẹn, có hình viên trụ, thót giữa, mặt lõm sâu và 10 đoạn xương sườn, cùng một số xương khác. Ngoài một dãy đốt sống, còn có những rẻ xương dài, hơi cong, có thể là xương sườn nằm trên mặt đá. Để đến đây, du khách sẽ đi bộ trong rừng, vượt qua nhiều dốc đá.

Tour cơ bản

Sơ đồ tham quan các điểm nổi bật của vườn. Ảnh: VQG Cúc Phương

Tour nửa ngày

Tham quan trung tâm du khách, bảo tàng Cúc Phương, chương trình bảo tồn linh trưởng, bảo tồn rùa và thú ăn thịt và tê tê, thú móng guốc và chim. Du khách cũng có thể lựa chọn khám phá động Người xưa (300 m đi bộ), rừng nguyên sinh, tham quan cây đăng cổ thụ (800 m đi bộ), cây chò chỉ

Giá tour: có ba mức 130.000 đồng, 160.000 đồng và 250.000 đồng với người lớn và từ 50.000 đồng đến 110.000 đồng trẻ em.

Tour một ngày

Tham quan trung tâm du khách, chương trình bảo tồn linh trưởng đầu tiên ở Đông Dương, chương trình bảo tồn rùa, khám phá động Người xưa (300 m đi bộ), trải nghiệm rừng nguyên sinh, động Sơn Cung và quần thể 5 cây chò chỉ (6 km đi bộ vòng tròn). Du khách cũng có thể chọn tham quan cây đăng cổ thụ (3 km đi bộ vòng tròn.

Giá tour: 160.000 đồng người lớn và 50.000 đồng trẻ em.

Du khách có thể tự khám phá rừng Cúc Phương trong ngày bằng xe đạp. Ảnh: Linh Hương

Ngoài ra, tour một ngày còn có chương trình dành riêng cho người lớn, buộc phải có hướng dẫn viên và đặt trước. Địa danh bổ sung có trekking đỉnh Mây Bạc (đỉnh núi cao nhất Cúc Phương, đi bộ 7 km).

Giá tour: 160.000 đồng người lớn, 50.000 đồng trẻ em.

Các tour kể trên, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe điện (20.000 đồng một người). Phí bãi đỗ xe từ 20.000 đến 35.000 động một xe một ngày.

Tour thưởng ngoại thiên nhiên

Du khách đến Cúc Phương khoảng 10h, tham quan các điểm tại khu cổng vườn và tìm hiểu những thông tin cơ bản, sau đó thăm cây chò ngàn năm. Trên đường quay trở ra, du khách sẽ ghé động Người xưa, nơi phát hiện các công cụ đồ đá, bộ xương hoá thạch người tiền sử với niên đại 7.500 năm.

Tour trải nghiệm thiên nhiên cho trẻ em

Trẻ em được tham gia các tour tìm hiểu về hệ động thực vật trong vườn. Ảnh: VQG Cúc Phương

Tour 1-2 ngày dành cho học sinh tiểu học hoặc THCS. Các du khách nhí sẽ được tìm hiểu về công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, các loài động vật hoang dã, công tác cứu hộ, bảo tồn, trải nghiệm thiên nhiên thông qua các trò chơi và sử dụng giáo cụ trực quan, thực hành nghiên cứu cơ bản, thực hành các kỹ năng sống, tham quan các điểm đến nổi tiếng của rừng, các hoạt động team building, vẽ tranh. Ăn tối và nghỉ đêm tại khu vực hồ Mạc.

Mỗi đoàn có số lượng tối thiểu 20 người, tối đa 50 người. Giá tour 710.000 đồng một em, 690.000 đồng với một người lớn đi kèm.

Cắm trại trong vườn, xem động vật hoang dã

Tour thường được tổ chức vào mùa khô, từ tháng 9 đến tháng 12. Vào mùa mưa thời tiết thường nóng, ẩm ướt, nhiều muỗi và vắt, Cúc Phương thuộc địa hình Caxtơ nên có nhiều dốc đá, vì thế tuyến đi bộ này sẽ rất vất vả.

Du khách mang theo giầy tất đi rừng, đèn pin, túi ngủ, máy ảnh, ống nhòm, máy ảnh, thuốc chống côn trùng và tư trang cá nhân. Đi bộ trong rừng nhiệt đới khác hoàn toàn so với rừng ôn đới hay các loại rừng khác.

Tour xem đom đóm và động vật hoang dã ban đêm

Tour mở từ 19h đến 22h hàng ngày, mỗi tour dài 1,5 tiếng, giá 100.000 đồng một người lớn và trẻ em trên 10 tuổi, 50.000 đồng trẻ em dưới 10 tuổi.

Du khách sẽ được tìm hiểu về công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, trải nghiệm ngắm đom đóm trong rừng già, quan sát các loài động vật hoang dã quý hiếm như hươu, nai, culi, tìm hiểm về côn trùng và cuộc sống ban đêm trong rừng.

Du khách có thể quan sát được đom đóm thành đàn khi đi tour đêm ở Cúc Phương. Ảnh: VQG Cúc Phương

Ngoài các tour cơ bản kể trên, vườn quốc gia Cúc Phương còn có các tour (không thường xuyên) như thưởng ngoạn đồng quê Ninh Bình, Hành trình hồi sinh (phục hồi động vật cứu hộ), Tìm hiểu thiên nhiên và giá trị văn hóa địa phương...

Ẩm thực

Ẩm thực núi rừng Cúc Phương vốn nổi tiếng bởi nhiều món đặc sản như dê núi, lợn mường, gà đồi.

Các khu vực lưu trú trong vườn quốc gia Cúc Phương đều có nhà hàng phục vụ ăn uống với các món cơ bản. Ngoài ra, du khách còn có thể chọn các nhà hàng ở khu vực lân cận như Cúc Phương, Cao Sơn, Quý Hiệp, Vườn bia lẩu nướng, Thảo Linh.

Lưu ý

Mùa bướm ở Cúc Phương thường vào tháng 4 hằng năm. Ảnh: VQG Cúc Phương

Du khách có thể mua vé online tại website https://dulichcucphuong.com.vn

Đi vào rừng cần lưu ý trang phục gọn nhẹ, giày đế bằng, quần áo chuyên dụng (quần dài, áo dài tay), đề phòng vắt và các loại côn trùng.

Mùa bướm trắng tháng 4 hằng năm du khách thường đổ về khá đông, lưu ý đặt các dịch vụ lưu trú sớm.

Mang theo các thuốc xịt côn trùng và các phương tiện hỗ trợ cấp cứu đơn giản.

Ở lại qua đêm hoặc nhiều ngày trong rừng, nên có các thiết bị cá nhân như ống nhòm, còi, đèn pin.

Nên lấy số điện thoại cứu hộ khi đến check in đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Tâm Anh

Cập nhật 22/8/2024, 14:29 (GMT+7)