Năm 2015, thế giới có khoảng 246 triệu người tuổi 15-64 từng sử dụng ma túy, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết. Ở Việt Nam, tính đến năm ngoái, báo cáo của Bộ Công An ghi nhận 200.134 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ nghiện mới và đặc biệt là tái nghiện tăng cao.
Theo nghiên cứu "Nguyên nhân tái sử dụng ma túy và phương pháp mới dự phòng tái nghiện" của Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), động cơ dẫn đến tình trạng tái nghiện là sự căng thẳng tâm lý và nhu cầu giải tỏa căng thẳng đó. Mỗi khi xuất hiện cảm giác tiêu cực, người nghiện tự động nhớ đến sự dễ chịu từ những lần sử dụng ma túy trước đây. Tuy nhiên, cơn thèm "thuốc" không thể diễn ra nếu không có tác động của những yếu tố gắn liền với quá trình nghiện.
Khảo sát 1.329 học viên cai nghiện tại 7 Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục và Lao động Xã hội thuộc 6 tỉnh thành phía Bắc, kết quả cho thấy nguyên nhân dẫn đến hành vi tái sử dụng ma túy ở người nghiện bao gồm 4 nhóm chính: Hình ảnh trực quan (người, đồ dùng, địa điểm liên quan đến quá trình sử dụng ma túy); cảm xúc; các tình huống, hành vi nguy cơ và ngôn ngữ.
Trong nhóm hình ảnh trực quan, "người bạn nghiện" là yếu tố tác động nhiều nhất, ảnh hưởng đến 87,7% học viên thông qua bề ngoài, ánh mắt hoặc thậm chí là mùi mồ hôi. Tiếp đến là các đồ vật như bơm kim tiêm, giấy bạc thuốc lá và địa điểm như nơi mua bán ma túy, quán nước hay ngồi với bạn nghiện hoặc nhà nghỉ.
Về mặt cảm xúc, 52,7% học viên muốn sử dụng lại ma túy do bị xa lánh, kỳ thị; 43,2% bởi trầm uất, cô đơn và 38,2% vì tức giận, bực bội. Mong muốn được chấp nhận sẽ chuyển thành chán nản, tuyệt vọng, mất niềm tin nếu vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía gia đình, xã hội.
Ngoài ra, 4 tình huống thúc đẩy hành vi tái nghiện là gặp lại nhóm bạn cùng nghiện, bị rủ rê, thấy bạn nghiện dùng ma túy và có rất nhiều tiền trong túi. Việc sử dụng những chất kích thích khác có thể khiến người nghiện mất kiểm soát và trên thực tế dẫn đến thèm nhớ ma túy ở gần 48% học viên trong nghiên cứu.
Cuối cùng, nói chuyện liên quan đến chủ đề ma túy cũng kích hoạt ham muốn sử dụng ma túy ở người nghiện.
Nghiên cứu đề xuất để cai nghiện thành công, người nghiện cần được trang bị kiến thức về cơ chế nghiện, tái nghiện cũng như các kỹ năng thoát khỏi tình huống nguy cơ và kiểm soát, vượt qua cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, trong trường hợp bất khả kháng gặp lại bạn nghiện, chỉ nên nói chuyện khoảng 5 phút. Vận dụng phương pháp điều chỉnh, tác động nhân cách đã và đang đem lại kết quả khả quan. Dự phòng tái nghiện dù khó khăn nhưng vẫn có thể thành công nếu có phương pháp khoa học và được thực hiện bài bản.
Minh Nguyên