Gotabaya Rajapaksa, cựu tổng thống Sri Lanka, hôm 14/7 lên máy bay của hãng hàng không Arab Saudi từ Maldives đến Singapore, nơi ông dừng chân lâu nhất kể từ khi chạy ra nước ngoài giữa khủng hoảng kinh tế - chính trị của đất nước.
Không lâu sau khi hạ cánh ở đảo quốc Đông Nam Á, ông gửi email từ chức, kết thúc hơn ba năm nắm quyền. Các chuyên gia nhận định ông Rajapaksa đã đưa ra "lựa chọn thức thời" khi chạy tới Singapore rồi mới gửi đơn từ chức.
Bilahari Kausikan, cựu đại sứ Singapore tại Mỹ, cho rằng ông Rajapaksa không phải tới quốc đảo này để xin tị nạn, mà tìm một "bến đỗ" an toàn nơi ông có thể đưa ra quyết định từ bỏ đặc quyền miễn trừ của mình mà không phải lo lắng về nguy cơ bị bắt với cáo buộc liên quan đến "tội ác chiến tranh" trong giai đoạn ông làm bộ trưởng quốc phòng Sri Lanka.
Theo Bilahari, chính phủ Singapore đã duy trì lập trường lâu nay trong các vấn đề quốc tế khi cho phép ông Rajapaksa nhập cảnh "như một công dân Sri Lanka bình thường".
"Hầu như quốc gia nào cũng có những chính trị gia có thể vướng vào một số cáo buộc bất lợi. Nếu Singapore chỉ cho phép những ai không có điều tiếng gì nhập cảnh, tôi nghĩ quốc đảo sẽ chẳng cho bất kỳ ai đặt chân đến nữa. Nếu ông Rajapaksa đang chịu một cáo buộc chính thức, đó lại là câu chuyện khác", Bilahari nhận định trong bài viết trên Straits Times.
Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận ông Rajapaksa được nhập cảnh vào đảo quốc bằng visa du lịch cá nhân. "Ông ấy không xin tị nạn và cũng không được cấp cơ chế tị nạn. Singapore thông thường cũng không giải quyết những đề nghị tị nạn", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia đang làm việc tại Viện ISEAS - Yusof Ishak của Singapore, nói với VnExpress rằng không chính trị gia lưu vong nào tị nạn chính trị lâu ngày ở Singapore
"Không có đặc điểm gì nổi bật giúp Singapore trở thành điểm đến ưa thích của các chính trị gia như vậy. Có vẻ họ chỉ đến đây tạm thời trước khi tới một nơi khác", ông Hiệp nói.
Năm 2017, các quan chức đảng Pheu Thai tiết lộ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đến Singapore sau khi trốn ra nước ngoài, trước thềm phiên tòa xét xử bà với cáo buộc sai phạm trong chính sách kinh tế. Điểm đến cuối cùng của nữ chính trị gia 55 tuổi là Dubai.
Theo ông Hiệp, có thể những chính trị gia như ông Rajapaksa nhận thấy Singapore là cửa ngõ hàng không quốc tế lớn trong khu vực và họ có nhiều lựa chọn điểm đến tiếp theo nếu dừng chân ở đảo quốc này.
James Crabtree, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cũng nhận định Singapore là "điểm đến phổ biến cho những chính trị gia đang trong tình cảnh sóng gió".
"Ông Rajapaksa rõ ràng phải ra đi vội vã và không thể định hình rõ đâu sẽ là điểm đến cuối cùng. Có lẽ ông ấy đến Singapore vì đây là lựa chọn thuận tiện, hợp pháp và an toàn. Singapore là nơi đảm bảo đi lại lẫn làm việc dễ dàng hơn", ông chia sẻ với Straits Times.
Theo Indian Express, đảo quốc Đông Nam Á còn là điểm đến quen thuộc với ông Rajapaksa, bởi gia đình ông từng nhiều lần tới đây để chữa bệnh.
Gotabaya Rajapaksa từng phẫu thuật tim ở bệnh viện Mount Elizabeth của Singapore vào tháng 5/2019, vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống ở Sri Lanka. Hồi tháng 12/2021, ông Rajapaksa đã hoãn họp quốc hội 4 tuần để tới Singapore kiểm tra sức khỏe.
Gotabaya Rajapaksa vào năm 2017 còn được mời làm học giả danh dự trong một tháng tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore. Mahinda Rajapaksa, anh trai cựu tổng thống Sri Lanka, từng đến đảo quốc khám bệnh vào năm 2017.
Trả lời đài MoneyFM của Singapore ngày 16/7, Dilrukshi Handunnetti, giám đốc điều hành Trung tâm Báo chí Điều tra Sri Lanka, nhận định Singapore cho phép Rajapaksa nhập cảnh có thể vì nguyên tắc "có qua có lại trong ngoại giao", nhưng đảo quốc sẽ phải chấp nhận sức ép lớn từ dư luận với quyết định đó.
CNN-News 18 tại Ấn Độ ngày 18/7 dẫn nguồn thạo tin cho biết cựu tổng thống Sri Lanka chỉ được ở lại Singapore 15 ngày và chính quyền sở tại đã từ chối gia hạn visa. Nguồn tin cho hay Rajapaksa đã liên hệ để sang Ấn Độ nhưng bị từ chối, do New Delhi dường như không muốn gây hiềm khích với người dân Sri Lanka láng giềng.
Chính phủ của quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe đến nay chưa phát lệnh bắt nào đối với ông Rajapaksa. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình phản đối ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa trên chính trường Sri Lanka có thể sẽ buộc cựu tổng thống 73 tuổi tìm điểm đến tiếp theo cho phép ông tị nạn lâu dài hơn, theo giới quan sát.
Thanh Danh