Hãng thông tấn AP dẫn lời quan chức chính phủ Syria cho biết một nhóm vũ trang hôm 20/5 tấn công căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại tỉnh Latakia, khiến hai quân nhân và hai tay súng thiệt mạng. Không rõ hai quân nhân này là binh sĩ Nga đồn trú tại căn cứ hay lực lượng an ninh của chính quyền Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa.
Giới chức Nga và Syria đến nay chưa lên tiếng về cuộc tấn công.
Kyle Orton, nhà phân tích về Trung Đông, dẫn một số ước tính cho biết nhóm tấn công có 8-20 người, đều là các tay súng xung kích có nhiệm vụ đột phá phòng tuyến và hạ càng nhiều người càng tốt cho đến khi thiệt mạng. "Điều này có vẻ trùng khớp với thực tế, nhưng vẫn chưa rõ liệu các tay súng đã thực sự xâm nhập được vào căn cứ hay chưa", Orton cho biết.

Trực thăng Nga bay trên căn cứ Hmeymim tháng 12/2024. Ảnh: AP
Chưa rõ danh tính của nhóm vũ trang, cũng chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho rằng các tay súng có liên hệ với chính quyền mới ở Damacus, trong khi một số nhà quan sát lại nhận định đây là lực lượng chống đối Tổng thống Sharaa.
Sân bay Hmeymim và quân cảng Tartus là những căn cứ quan trọng của Nga tại Syria, đóng vai trò đầu mối cho các hoạt động quân sự do Moskva tiến hành ở Trung Đông và châu Phi. Tương lai của hai căn cứ trở nên bất định sau khi cựu tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Nga, bị lật đổ vào tháng 12/2024.
Giới quan sát nhận định cuộc tấn công có thể là thông điệp nhằm gây sức ép buộc Nga rút lực lượng khỏi Syria, trong bối cảnh quan hệ giữa Damascus và các cường quốc phương Tây gần đây cải thiện đáng kể.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đã gỡ bỏ trừng phạt kinh tế với Syria. EU trước đó còn gợi ý rằng sẽ bình thường hóa quan hệ với Syria nếu quân đội Nga không còn hiện diện tại quốc gia Trung Đông.
Dù vậy, Orton không tán thành với quan điểm trên, đề cập việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhắc đến các căn cứ Nga tại Syria trước, trong và sau khi ra quyết định dỡ bỏ trừng phạt. Hiện diện quân sự của Nga tại Syria, đặc biệt là vùng ven biển Địa Trung Hải, dường như không phải mối bận tâm của chính quyền Trump vào thời điểm này.
Giới chức EU cũng không nhắc lại yêu cầu Nga rút quân khỏi Syria khi dỡ bỏ cấm vận, nhiều khả năng vì đang ưu tiên lợi ích kinh tế và vấn đề nhân quyền tại quốc gia Trung Đông hơn là hiện diện quân sự của Nga.
"Quan điểm của chính quyền Tổng thống Sharaa về quan hệ với Nga là ưu tiên đối thoại hơn leo thang, nên càng không có lý do gì để Damascus sử dụng biện pháp ngầm hoặc bạo lực nhằm thể hiện không hài lòng với Moskva", Orton nhận xét.

Tổ hợp Pantsir-S tại căn cứ Hmeymim hồi năm 2017. Ảnh: RIA Novosti
Nga và Syria cũng có các kênh đối thoại trực tiếp, từng sử dụng trong quá khứ. Hai nước nhiều khả năng đã bí mật trao đổi về vụ tấn công Hmeymim thông qua các kênh này. Tổng thống Sharaa tháng 12/2024 cho biết Damascus và Moskva có "lợi ích chiến lược sâu sắc", thêm rằng Syria không muốn Nga phải rời khỏi quốc gia Trung Đông "theo cách mà một số người mong muốn".
Một số chuyên gia Nga nhận định cuộc tập kích không nhằm vào Moskva, mà là thông điệp gửi tới Tổng thống Syria.
Kirill Semenov, nhà phân tích chính trị tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) có trụ sở ở Moskva, nhận định sự việc có khả năng liên quan đến tuyên bố gần đây của Abu Muhammad al-Maqdisi, nhà tư tưởng theo nhánh Hồi giáo Salafi, trong đó cho rằng Tổng thống Sharaa là "kẻ bội giáo".
Theo Semenov, nhiều người ủng hộ ông Sharaa đang thay đổi quan điểm, cho rằng Tổng thống Syria đã phản bội quá khứ khi từ bỏ tư tưởng thánh chiến và tìm cách bình thường hóa quan hệ với các cường quốc. Ông Sharaa từng là thành viên các tổ chức cực đoan, nhưng dần trở nên ôn hòa hơn từ khi thành lập nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) để lật đổ chính quyền Assad.
"Phe chống đối có thể đã chọn tấn công căn cứ Nga nhằm thể hiện phản đối chính sách của Tổng thống Sharaa, đặc biệt là các động thái ngoại giao của ông với Nga và những nước khác", Semenov nêu quan điểm.

Vị trí căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus. Đồ họa: BBC
Dù là thông điệp gửi tới Nga hay Syria, vụ tấn công vẫn là dấu hiệu cho thấy sân bay Hmeymim rất dễ bị tổn thương.
"Ấn tượng của tôi khi thăm Hmeymim là nó hầu như không có khả năng phòng thủ. Đây chắc chắn cũng là quan điểm của các thành viên HTS đứng gác ở cổng sân bay. Những người tin này rằng nếu chính phủ Syria ra lệnh chiếm căn cứ, mệnh lệnh sẽ được hoàn thành rất nhanh chóng", Orton cho hay.
Phạm Giang (Theo Syria TV, Forbes, AP)