Nội dung này được Bộ Công Thương nêu khi thông báo với Kiểm toán Nhà nước kết quả thực hiện các kiến nghị của cơ quan này liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo.
Một trong những kiến nghị của cơ quan kiểm toán là Bộ Công Thương cần xây dựng cơ chế, thủ tục liên quan đấu thầu nhằm thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo Bộ Công Thương, đơn vị này đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu quy định về chọn nhà đầu tư dự án điện, nhưng hiện vẫn còn vướng mắc.
Đầu tiên là Luật Điện lực không quy định bắt buộc phải đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án điện. Việc chọn nhà đầu tư được thực hiện theo Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, và hiện không gặp khó khăn, vướng mắc gì từ phía địa phương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho hay, đấu thầu chọn nhà đầu tư với tiêu chí lựa chọn là giá bán điện không phù hợp với quy định hiện hành. Các luật: Đầu tư, Giá và Điện lực đưa ra các quy định chủ thể lựa chọn nhà đầu tư khác với giá điện.
Chẳng hạn, theo Luật Giá, Luật Điện lực, bên mua điện (EVN) có quyền quyết định, thoả thuận giá mua điện với bên bán. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư không phải là EVN.
Vì vậy, quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện vừa qua (trừ dự án BOT) của cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo Luật Đầu tư, Nghị định 25/2020 quy định chi tiết một số điều Luật Đấu thầu về chọn nhà đầu tư, và chưa xem xét tới tiêu chí giá bán điện. Sau khi được chọn, nhà đầu tư sẽ đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn cho dự án và thực hiện đầu tư dự án.
"Tức là, theo quy định Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực, không thể thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu", Bộ Công Thương nêu. Còn đấu thầu chọn nhà đầu tư (không có tiêu chí giá bán điện cạnh tranh) vẫn đang được các địa phương thực hiện theo pháp luật đầu tư, không vướng mắc gì.
Trước đó, cuối năm 2019, Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời, để thay thế cơ chế giá FIT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) đã hết hiệu lực.
Sau đó, hai phương án đấu thầu giá điện mặt trời từng được đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nêu, là đấu thầu tại trạm biến áp hoặc giải phóng mặt bằng sạch, sau đó mời gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá một phần hoặc toàn bộ dự án, như cách Campuchia làm thành công dưới sự hỗ trợ của tổ chức tài chính quốc tế. Theo vị này, qua đấu thầu sẽ chọn được các dự án điện với chi phí hợp lý.
Bộ Công Thương sau đó đặt ra mục tiêu thí điểm đấu thầu cơ chế giá điện mặt trời trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Đến cuối 2022, số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang trình Chính phủ, tổng công suất điện gió (trên bờ, gần bờ) khoảng 11.196 - 13.616 MW vào 2025 và đạt 11.905 - 21.480 MW vào 2030, sau đó tăng lên 49.170 - 66.050 MW vào 2050.
Điện gió ngoài khơi khoảng 7.000 MW và khoảng 46.000-87.000 MW vào 2050. Tổng điện năng sản xuất từ các loại điện gió dự kiến chiếm tỷ trọng 7,5-8,8% vào 2025 và khoảng 5,2 - 14,1% vào 2030, và tới 2050 là 21,6 - 36,9%.
Về điện mặt trời, tổng công suất nguồn điện quy mô khoảng 8.736 MW vào 2025 và không thay đổi tới 2030, và khoảng 100.651 - 136.573 MW năm 2050. Nguồn điện này sẽ đóng góp tỷ trọng khoảng 6,8% vào 2025; khoảng 4,5-4,8% vào 2030 và đạt 14,3-19,4% năm 2050.
Về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan quản lý điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho hay, dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ định hướng phát triển loại hình năng lượng này theo hướng khuyến khích địa phương, doanh nghiệp và người dân phát triển với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.
Khi quy hoạch này được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ sẽ nghiên cứu về quy định tỷ lệ sử dụng, lượng điện dư bán trong quá trình xây dựng chính sách (nếu cần).