Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm tiến hành vụ xả súng, ném bom xăng tại nhà hát ở Krasnogorsk, ngoại ô Moskva, Nga, khiến hơn 60 người chết. Nhóm trực tiếp thực hiện cuộc tấn công đẫm máu này là Khorasan, chi nhánh IS ở Afghanistan (ISIS-K).
Đây được cho là nhóm vũ trang bạo lực nhất trong tất cả các tổ chức cực đoan tại Afghanistan. ISIS-K được thành lập vào năm 2015, khi IS hoạt động mạnh mẽ tại Iraq và Syria trước khi bị đánh bại trong chiến dịch quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
ISIS-K có trụ sở chính ở tỉnh miền đông Nangarhar của Afghanistan, gần các tuyến đường buôn lậu ma túy và buôn người vào Pakistan. Nhóm tuyển mộ cả các phần tử cực đoan tại Afghanistan và Pakistan, đặc biệt là những thành viên bất mãn với Taliban, những người không coi tổ chức này là đủ cực đoan đối với họ.
"Khorasan" là thuật ngữ dùng để chỉ một khu vực lịch sử gồm các phần của Afghanistan và Pakistan ngày nay.
Vào thời kỳ đỉnh cao, ISIS-K có khoảng 3.000 tay súng. Tuy nhiên, số lượng thành viên của nhóm bị giảm gần một nửa, xuống còn 1.500 đến 2.000 chiến binh do hứng chịu các cuộc tấn công của Mỹ và biệt kích Afghanistan, khiến nhiều thủ lĩnh thiệt mạng.
Sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan vào năm 2021, ISIS-K đã tận dụng tình hình rối ren để trỗi dậy lần thứ hai. Trong thời gian quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, ISIS-K đã thực hiện vụ đánh bom tự sát tại sân bay quốc tế ở Kabul vào tháng 8/2021, khiến 13 lính Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng. Cuộc tấn công đã nâng cao vị thế quốc tế của ISIS-K.
ISIS-K được nhận xét là một lực lượng hiếu chiến. Những mục tiêu mà nhóm nhắm đến khá đa dạng, từ lực lượng an ninh, chính trị gia, quan chức Afghanistan, Taliban đến các nhóm tôn giáo thiểu số, như người người Hồi giáo Shiite và người Sikh, lực lượng Mỹ và NATO cũng như những cơ quan quốc tế, trong đó có cả các tổ chức viện trợ nhân đạo.
Nhóm này cũng bắt đầu hướng sự chú ý tới Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin từ năm 2015 mở chiến dịch tấn công IS ở Syria, bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc xung đột tại Syria đã thu hút nhiều phần tử cực đoan tại Nga tới đây tham chiến. Sau khi bị đánh bại, những tay súng này nuôi tham vọng trả thù, đồng thời coi Nga như "bên đàn áp đạo Hồi".
Năm 2022, ISIS-K mở cuộc tấn công bằng hình thức đánh bom tự sát vào đại sứ quán Nga tại Kabul, khiến 6 người thiệt mạng. Vụ tấn công đánh dấu thách thức ngày càng tăng với Nga, khi IS chuyển hướng chú ý sang nước này vì gặp trở ngại lớn từ các mặt trận khác.
Tại Afghanistan, Taliban đang chiến đấu quyết liệt chống ISIS-K. Các cơ quan an ninh Taliban nỗ lực ngăn chặn nhóm chiếm giữ lãnh thổ hay tuyển mộ cựu thành viên của họ.
Trên phạm vi toàn cầu, ISIS-K được cho là vẫn duy trì khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài, theo đánh giá của tướng Michael E. Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ.
Nhưng cả Mỹ và châu Âu đều đang tăng cường trấn áp các âm mưu tấn công khủng bố. Tổng thống Joe Biden và các chỉ huy hàng đầu của ông cho biết Mỹ sẽ thực hiện những cuộc tấn công "ngoài đường chân trời" từ một căn cứ ở Vịnh Ba Tư nhắm vào IS và al-Qaeda, những lực lượng đang đe dọa Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.
Các quan chức chống khủng bố ở châu Âu cho hay trong những tháng gần đây, họ đã triệt phá một số âm mưu mới của ISIS-K nhằm gieo rắc khủng hoảng trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, IS có xu hướng tìm kiếm những mục tiêu tấn công mới. ISIS-K hồi tháng một tuyên bố đứng sau vụ đánh bom khiến 84 người thiệt mạng ở Kerman, Iran, trong lễ tưởng niệm thiếu tướng Qassem Soleimani, người thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ vào năm 2020.
ISIS-K từng nhiều lần đe dọa Iran về những gì họ cho là tư tưởng đa thần và bội giáo của nước này. Nhóm cũng đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công trước đó tại đây. Và nay, bóng ma IS quay sang ám ảnh nước Nga.
Nhóm đã xuất bản các bài viết chi tiết về mục tiêu của mình ở Đông Âu, trong đó có việc mở rộng hỗ trợ cho các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Nga và Ukraine, lợi dụng những căng thẳng gia tăng do chiến sự giữa hai nước.
Colin Clarke năm ngoái từng nói ông "rất lo ngại về khả năng ISIS-K lên kế hoạch cho một cuộc tấn công phức tạp ở châu Âu hay bất kỳ nơi nào khác" bởi nhóm này "đã vươn vòi bạch tuộc trên khắp thế giới".
Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson, trụ sở tại Washington, trong khi đó cho hay ISIS-K "coi Nga là đồng lõa trong các hoạt động đàn áp người Hồi giáo".
"ISIS-K đã tập trung vào Nga suốt hai năm qua và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến chiến dịch tại Syria", Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, công ty tư vấn an ninh, trụ sở tại Mỹ, nhận định. "ISIS-K cho rằng Nga đã 'nhuốm máu Hồi giáo' trên tay mình, ám chỉ hoạt động can thiệp của Nga ở Afghanistan, Chechnya và Syria".
Vũ Hoàng (Theo BBC, Nikkei, AFP, Reuters)