Tôi chạy xe máy đi làm và về nhà hàng ngày, ngang qua bến xe miền Đông mới. Lúc bến xe khai trương, tôi rất lo lắng vì sợ sẽ rơi vào tình cảnh kẹt xe liên miên như trường hợp bến xe miền Đông cũ ở đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM).
Nhưng sự lo lắng của tôi là dư thừa, bởi mấy năm qua, kể từ ngày bến xe lớn nhất nước này đi vào hoạt động, tình hình giao thông vẫn như xưa vì ế khách.
Vì sao? Theo tôi có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, bến xe miền Đông mới quá xa. Hành khách di chuyển từ nhà ở các quận khác, khu vực nội thành ra bến xe, tiền đi taxi có khi đã bằng tiền vé xe về quê. Mà đã về quê thì ai cũng lỉnh kỉnh hành lý, đi xe buýt rất bất tiện. Chưa kể nhiều người phải nối hai, ba chuyến buýt mới tới bến xe.
Hành khách ít tiền hoặc muốn tiết kiệm nên mới đi xe khách, họ sẽ không chi thêm tiền để đi taxi, như người đi máy bay.
Bởi thế, mỗi tối sau khi đi làm về, nếu đi Xa lộ Hà Nội, sẽ thấy khách bắt xe dọc đường, trước cổng Khu du lịch Suối Tiên. Còn nếu đi hướng Quốc lộ 1A, khách sẽ bắt xe trước Khu chế xuất Linh Trung, gần cầu vượt Linh Xuân...
Thứ hai, bất tiện. Nếu hành khách đi các tỉnh ven biển miền Trung, Phan Thiết, Bình Thuận, Ninh Thuận - sau khi chịu khó ra bến xe miền Đông mới, sẽ được nhà xe chở ngược vào đường Mai Chí Thọ (quận 2 cũ) để lên đường cao tốc. Vừa mất công sức lẫn thời gian.
Một số người cho rằng dẹp bến xe miền Đông cũ sẽ là lối thoát cho bến xe mới. Nhưng với những lý do trên, tôi nghĩ hành khách sẽ chọn giải pháp tiện lợi, tiết kiệm nhất mà thôi. Huống gì bây giờ nhiều nhà xe có dịch vụ đưa rước tận nơi, ai sẽ đi vài chục km ra Bến xe miền Đông mới đây?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.