Hai cơn bão Florence và Mangkhut đổ bộ vào đất liền trong cùng một ngày nhưng ở cách nhau nửa vòng Trái Đất và có những cách thức khác nhau để tàn phá nhà cửa, đe dọa tính mạng con người, theo NZHerald.
Theo Gabriel Vecchi, chuyên gia về bão và khí hậu tại Đại học Princeton, những cơn bão hình thành ở tây Thái Bình Dương như Mangkhut thường có sức gió mạnh hơn và tấn công những khu vực dân cư nghèo hơn, dễ tổn thương hơn so với những cơn bão đổ bộ vào nước Mỹ như Florence.
Bão Mangkhut đổ bộ vào đảo Luzon của Philippines hôm thứ bảy với sức gió lên tới 265 km/h, mức cao nhất trong thang 5 cấp độ siêu bão của Mỹ. Trong khi đó, bão Florence sau khi tiến vào đất liền Mỹ đã hạ cấp thành siêu bão cấp 1 với sức gió 145 km/h.
Một ngày sau khi tàn phá miền bắc Philippines, bão Mangkhut lại tiến ra Biển Đông, suy yếu một chút nhưng vẫn tấn công Hong Kong với sức gió tới 232 km/h, giật 257 km/h, khiến nhiều ngôi nhà nghiêng ngả, các giàn giáo lớn đổ sập. Trong khi đó, bão Florence di chuyển chậm chạp qua bang Bắc Carolina và gây thiệt hại bằng những cơn mưa lớn tới 75 cm, mức kỷ lục ở bang này, khiến nhiều khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng.
Bão Florence tới nay đã khiến 18 người Mỹ thiệt mạng, nhưng theo Ernst Rauch, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu của tập đoàn tái bảo hiểm lớn nhất thế giới Munich Re, thiệt hại do bão Mangkhut gây ra sẽ lớn hơn rất nhiều khi nó tiến vào khu vực đông dân cư ở phía nam Trung Quốc. Tới nay, cơn bão này đã khiến ít nhất 66 người ở Philippines và Trung Quốc thiệt mạng.
Rauch cho rằng mức độ tàn phá do những cơn bão này gây ra phụ thuộc rất lớn vào sự kết hợp giữa ba yếu tố gồm địa lý, điều kiện khí hậu và con người.
Yếu tố địa lý
Khu vực tây Thái Bình Dương có tỷ lệ hình thành các cơn bão với sức gió tối thiểu 119 km/h lớn gấp 2,5 lần những vùng biển khác, trong khi xác suất những cơn bão này biến thành siêu bão 178 km/h cao gấp 3,5 lần. Năng lượng được bão ở khu vực này tích trữ lớn gấp ba lần các khu vực khác, biểu hiện không chỉ ở cường độ của bão mà còn ở thời gian tồn tại của chúng.
Chỉ trong năm nay, đã có 23 cơn bão được đặt tên ở tây Thái Bình Dương, trong khi Đại Tây Dương mới chỉ có 10 cơn bão, nhưng cả hai đại dương đều có số lượng bão lớn hơn 30% so với trung bình các năm.
Brian McNoldy, chuyên gia nghiên cứu bão tại Đại học Miami, giải thích rằng các cơn bão ở tây Thái Bình Dương hình thành nhiều hơn, cường độ mạnh hơn và gây nhiều thiệt hại hơn bởi đây là vùng biển ấm hơn so với Đại Tây Dương, trong khi trên vùng biển này lại có ít địa hình để cản trở và làm suy yếu chúng
"Nếu có một siêu bão cấp 6, chắc chắn nó hình thành ở tây Thái Bình Dương", nhà khí tượng học Ryan Maue đến từ chuyên trang dự báo thời tiết weathermodels.com nói.
Yếu tố khí hậu
Theo Maue, vì lý do này, tần suất hứng chịu các trận siêu bão mỗi năm của Bắc Carolina và Nam Carolina ít hơn rất nhiều so với Philippines và bão ở hai khu vực này cũng có những điểm khác biệt lớn. Bão Florence ra khỏi khu vực xích đạo khi đổ bộ vào đất liền và lập tức bị suy yếu bởi khối không khí khô và các luồng gió ở vĩ độ cao. Trong khi đó, Mangkhut hình thành và duy trì đường đi của mình ở vùng biển ấm gần xích đạo, nơi được coi là môi trường lý tưởng cho các cơn bão mạnh lên.
Những bức ảnh vệ tinh cho thấy bán kính của bão Mangkhut lên tới 525 km, trong khi bão Florence có bán kính là 315 km.
"Mangkhut và Florence dĩ nhiên là hai quái thú khác nhau", Phil Klotzbach, chuyên gia thời tiết tại Đại học Bang Colorado, nói. "Bão Florence di chuyển chậm hơn, nên nó sẽ trút nhiều mưa hơn so với Mangkhut".
Yếu tố con người
Các chuyên gia khí tượng cho rằng ngoài việc hình thành và duy trì đường đi ở vùng biển ấm tây Thái Bình Dương, bão Mangkhut còn có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với Florence là do yếu tố con người.
Khu vực đảo Luzon của Philippines, nơi đầu tiên hứng chịu bão Mangkhut, nghèo hơn rất nhiều so với vùng bờ biển đông nam nước Mỹ, đồng nghĩa với việc nhà cửa của người dân ở Luzon ít vững chắc hơn, các nhân viên cứu trợ được trang bị kém hơn để ứng phó với thiên tai. Đây là một trong những lý do các trận siêu bão thường gây thiệt hại nặng khi đổ bộ vào Philippines.
Hải Yến, một trong những siêu bão mạnh nhất thế giới, đã khiến 7.300 người thiệt mạng và hơn 5 triệu người mất nhà cửa khi càn quét qua các đảo ở miền trung Philippines năm 2013.
Chuyên gia bảo hiểm Rauch cho biết khoảng 30-50% thiệt hại do bão gây ra ở Mỹ thường được bảo hiểm bồi thường, trong khi con số này ở các quốc gia đang phát triển như Philippines là chưa đầy 10%, đồng nghĩa với việc 90% người dân bị ảnh hưởng bởi bão sẽ phải chịu gánh nặng kinh tế lớn hơn.
"Ở Mỹ, người dân sẵn sàng bỏ nhà cửa để đi sơ tán tránh bão nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, khi thiệt hại về tài sản đã có bảo hiểm lo", chuyên gia Vecchi cho biết. Trong khi đó, rất nhiều người thiệt mạng trong bão Hải Yến ở Philippines năm 2013 là những nạn nhân cố gắng bám trụ lại vùng bị ảnh hưởng để bảo vệ nhà cửa của mình.
Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng khi khí hậu toàn cầu ngày càng nóng lên, người dân trên khắp thế giới sẽ chứng kiến nhiều hơn những cơn bão có sức gió dữ dội như Mangkhut và gây mưa kỷ lục như Florence.