Cherry Casey, sống tại London, Anh, lý giải vì sao ngừng chụp ảnh cho con.
Một buổi sáng ngày Giáng sinh, con trai tôi cùng em gái mở quà và cùng hét lên thích thú. Cả hai đều mới ngủ dậy, mặc bộ đồ hình Giáng sinh trong khi ánh đèn từ cây thông Noel lấp lánh tỏa sáng, tạo nên khung cảnh thật yên bình.
Tôi rất muốn giơ điện thoại lên, chụp lại khoảnh khắc này để không bao giờ quên nhưng đã không làm. Bởi vì từ Giáng sinh này, tôi muốn lưu giữ tuổi thơ của các con càng nhiều càng tốt. Và để làm được điều này, tôi nghĩ cần đặt máy ảnh xuống.
Giống như hầu hết phụ huynh, tôi sợ hãi khi thời gian trôi quá nhanh. Ngay cả 2020, năm dường như trôi qua thật chậm, cũng đã qua rất mau. Tôi nhìn con trai mà không tin nổi cháu đã 4 tuổi trong khi con gái tôi cũng sẽ sớm tròn một tuổi. Những đứa trẻ sơ sinh ngày nào tôi còn ẵm trên tay đều đang khôn lớn.
Tôi cảm thấy áp lực vì không thể lấy lại khoảng thời gian này. Tôi lưu giữ từng khoảnh khắc qua hình ảnh, video và hồi tưởng lại bất cứ khi nào xem lại tư liệu. Nhưng cách làm này là phản tác dụng. Tôi bắt đầu nghĩ, thực ra càng chụp hình, tôi càng nhớ ít đi.
Những bức ảnh đầu tiên có khả năng khuấy động kỷ niệm. Như ảnh con trai tôi mới chào đời luôn khiến tôi nhớ về ngày đó trong bệnh viện và cả mùi thơm của con trai. Tôi đã chụp cháu hàng nghìn bức kể từ ngày đó nhưng những tấm ảnh dần dần không còn tác động lên cảm xúc và ký ức của tôi.
Thường khi tôi nhìn vào ảnh chụp với con, tôi nhớ chúng tôi đã ở đó nhưng không có cảm xúc gì. Tôi biết mọi việc đã diễn ra nhưng tôi không thực sự nhớ nó. Và tôi nghĩ đó là bởi tôi đã dành quá nhiều thời gian sau ống kính hơn là vào thời điểm hiện tại.
Giáo sư Maryanne Garry, làm việc tại Đại học Waikato, đã nghiên cứu tác động của nhiếp ảnh đối với ký ức. Bà cho rằng bằng cách liên tục ghi lại cuộc sống, chúng ta đang "cho đi khoảnh khắc" và ít chú ý đến những gì đang diễn ra.
Ngoài ra, một lý do khiến tôi đặt máy ảnh xuống là để con thoải mái tận hưởng từng khoảnh khắc. Trong buổi vui chơi ngoài trời, mẹ chồng tôi lấy điện thoại chụp ảnh con trai tôi chạy quanh như chú gấu Bắc cực. Tôi thoáng thấy con trai tôi thay đổi. Cháu đi chậm lại một chút, giữ nguyên nụ cười để bà chụp hình. Khoảnh khắc tận hưởng đã qua đi trong khi đó là điều chúng tôi muốn giữ lấy.
Tôi không trách mẹ chồng. Giữa những ngày ảm đạm trong đại dịch, đó là khoảnh khắc lạc quan mà mẹ tôi muốn lưu giữ. Nhưng nó khiến tôi lưu tâm rằng khi 4 tuổi, con trai tôi đã biết có ống kính ở trước mặt và cháu nên tạo dáng đẹp.
Tất nhiên, chụp ảnh cũng có những công dụng của nó và tôi không có ý định dừng hẳn việc này. Nhưng tôi sẽ chụp hình ít hơn. Cha mẹ tôi chụp ảnh các con bằng máy ảnh phim với những cuộn phim 24 tấm và lưu giữ trong những cuốn album. Nhờ đó, họ vẫn nhớ về tuổi thơ của chúng tôi. Vì vậy, tôi sẽ hạn chế việc chụp ảnh, sàng lọc lại 3.000 ảnh trong điện thoại.
Những bức ảnh chụp gia đình, ảnh ngày lễ hay ảnh đi du lịch vẫn thật tuyệt. Nhưng từ giờ trở đi, khi các con tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ, thoải mái, tôi chỉ đứng ở bên chiêm ngưỡng. Và hy vọng trong nhiều năm tới, tôi vẫn sẽ nhớ những kỷ niệm này.
Hồng Khánh (Theo Huffpost)