Thủy quân lục chiến Mỹ hôm 2/8 ra thông cáo cho biết đã chấm dứt tìm kiếm 8 binh sĩ mất tích trên xe thiết giáp đổ bộ tấn công (AAV) bị chìm khi tham gia cuộc huấn luyện ở bờ biển phía nam bang California chiều 30/7. Sau 40 giờ tìm kiếm liên tục, họ không phát hiện được vị trí của chiếc AAV cũng như 7 lính thủy đánh bộ và một thủy thủ, nên quyết định coi những người này là đã chết.
Sự cố xảy ra khi chiếc AAV chở 16 người bị chìm khi đang trên đường trở về tàu đổ bộ. 8 lính thủy đánh bộ được tìm thấy, trong đó một người được xác nhận thiệt mạng, hai người trong tình trạng nguy kịch. 8 người còn lại dường như vẫn kẹt trong chiếc AAV khi nó chìm xuống vùng biển có độ sâu ít nhất hàng chục mét.
Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho biết chiến dịch tìm kiếm cứu nạn chiếc AAV khó thành công trong tình hình hiện tại. "Quyết định khó khăn này được đưa ra sau khi mọi nguồn lực đã được tận dụng. Chúng tôi chia sẻ nỗi đau với người thân và bạn bè 8 lính thủy đánh bộ và một thủy thủ hải quân thiệt mạng", ông cho hay.
Tài liệu điều tra của thủy quân lục chiến Mỹ cho biết chiếc AAV khi đó đang trở về tàu vận tải đổ bộ USS Somerset sau khi hoàn thành bài huấn luyện tập kích trên đảo San Clemente gần đó. Tổ lái thông báo nước tràn vào khoang và xe nhanh chóng chìm với toàn bộ 16 người bên trong.
"Số binh sĩ này chưa chạm ngưỡng tải tối đa của xe AAV. Tuy nhiên, binh sĩ và trang bị chiến đấu của họ chiếm nhiều diện tích và không gian trong xe lúc đó sẽ rất chật chội", Tagen Schmidt, thành viên tổ lái sống sót sau một vụ cháy xe AAV hồi năm 2017, cho biết.
"Chiếc xe nặng 26 tấn sẽ chìm rất nhanh", Jacob Aronen, hạ sĩ từng phục vụ trong Tiểu đoàn tấn công đổ bộ số 3 thủy quân lục chiến Mỹ, nhận xét và nói rằng đường thoát hiểm chính khỏi một chiếc AAV đang chìm là qua cửa nóc. "Tuy nhiên, tay nắm để mở cửa nóc chặt đến mức phải dùng búa đập để mở ra", anh nói.
Cửa nóc cũng rất nặng, đòi hỏi hai lính thủy đánh bộ cùng đẩy mở. Điều này sẽ càng khó khăn khi xe bị chìm dưới nước. "Nếu binh sĩ không thể mở cửa nóc trước khi chiếc AAV chìm sâu quá một mét, việc mở cửa sẽ gần như bất khả thi", Schmidt nói.
Các binh sĩ có thể dễ dàng thoát ra nếu cửa nóc được mở, bất chấp xe AAV chìm nhanh hay chậm. "Nhiều người sẽ kẹt trong xe nếu không làm được điều đó", Schmidt cho hay.
Phương án thoát hiểm dự phòng là qua cửa sau, vốn dùng khi đổ bộ nhanh trên bãi biển, hoặc qua cửa thoát của trưởng xe, lái xe hoặc tháp pháo. "Tất cả đều rất chật chội, nhất là với những lính thủy đánh bộ mang đầy đủ trang bị chiến đấu", Aronen nói.
Schmidt tỏ ra ít lạc quan về khả năng thoát hiểm khi không mở được cửa nóc. "Lựa chọn duy nhất khi đó là cầu nguyện cho chiếc xe nổi trở lại", anh nói.
Xe thiết giáp lội nước AAV được biên chế từ năm 1972, là phương tiện chuyên chở chủ lực của các tiểu đoàn tấn công đổ bộ thủy quân lục chiến Mỹ, có nhiệm vụ đưa binh sĩ và trang bị chiến đấu từ tàu đổ bộ vào bờ biển, cũng như tham gia các chiến dịch bộ binh cơ giới trên đất liền.
Xe có thể chở tối đa 24 người, gồm 3 thành viên tổ lái và 21 binh sĩ được trang bị đầy đủ. Mỗi chiếc có khối lượng tối đa 29 tấn, dài 7,9 m và rộng 3,2 m. Xe được trang bị vỏ giáp dày 45 mm, tháp pháo trang bị súng phóng lựu tự động Mark 19 cỡ nòng 40 mm và súng máy M2HB cỡ nòng 12,7 mm.
Vũ Anh (Theo Marines Times)