Gần một tháng sau khi ông Lý Xuân Hải bị bắt để điều tra tội cố ý làm trái, Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đồng loạt cho Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch thôi chức. "Các thành viên này có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Vietinbank", ACB xác nhận trong thông cáo phát đi chiều 19/9.
Chiều cùng ngày, người cũ của ACB, ông Phạm Trung Cang cũng được thông báo từ chức Phó chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Không nêu chính xác lý do trong bản công bố thông tin tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, lãnh đạo Eximbank chỉ chia sẻ với VnExpress rằng ông Cang có trách nhiệm liên quan tới ACB.
Khi ông Lý Xuân Hải đệ trình việc ủy thác gửi tiền, Hội đồng quản trị ACB gồm Chủ tịch Trần Xuân Giá; 3 Phó chủ tịch Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, và Phạm Trung Cang. Bản thân ông Hải cũng là thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Theo quy trình làm việc tại ACB, một công việc quan trọng như gửi tiền sang ngân hàng khác và với số lượng lớn như vậy, tổng giám đốc không thể tự quyết, phải được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị.
"Quy trình giám sát kiểu hai tay bốn mắt như vậy đảm bảo ngân hàng hoạt động minh bạch. Vào thời điểm đó, có thể ông Hải nghĩ mình quyết định đúng khi làm điều pháp luật không cấm, và Hội đồng quản trị có thể cũng tin như vậy nên đã phê duyệt", một lãnh đạo cấp cao của ACB nói.
Ông phỏng đoán quyết định phê duyệt nói trên có thể bị cơ quan chức năng xem xét dưới hai góc độ: ủy thác gửi tiền sang ngân hàng khác khi pháp luật chưa quy định về việc này, và hai là nguy cơ thất thoát tài sản. 718 tỷ đồng mà ông Lý Xuân Hải ủy thác cho 19 nhân viên gửi sang ngân hàng khác hiện rất khó đòi, vì có thể đã bốc hơi theo những thương vụ đầu tư thua lỗ của nữ đại gia chứng khoán Huỳnh Thị Huyền Như. Bà này nguyên là Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank - bị khởi tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Bản thân ACB đầu năm nay muốn xúc tiến các thủ tục pháp lý để yêu cầu các ngân hàng trả lại tiền mà chưa thành công.
"Tiền chúng tôi gửi có chứng từ hẳn hoi, rủi ro xuất phát từ phía ngân hàng nhận tiền, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi. Hơn nữa, vào thời điểm Hội đồng quản trị phê duyệt, luật pháp không cấm nghiệp vụ ủy thác gửi tiền", vị lãnh đạo ACB giãi bày.
Nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá cũng nói với báo chí rằng, ủy thác cho 19 nhân viên ACB nhận 718 tỷ đồng để gửi vào Vietinbank là việc "làm ơn mắc oán". Ông Giá tin ACB đã tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về sử dụng tiền gửi để cho vay, và trong những lúc dư dả tiền thường xuyên hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khác. Ông cũng cho rằng lý do ACB ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là vào thời điểm xảy ra vụ việc, chưa có quy định nào cấm hoạt động ủy thác gửi tiền.
Nguyên Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá. Ảnh: Nhật Minh. |
Một chuyên gia pháp chế từng tham gia soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng xác nhận vào thời điểm xảy ra vụ việc tại ACB, Thông tư 04/2012 của Ngân hàng Nhà nước về ủy thác đầu tư chưa được ban hành. Với Thông tư 04, lần đầu tiên có quy định cấm ngân hàng ủy thác nhân viên gửi tiền sang ngân hàng khác.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định ngân hàng chỉ được thực hiện các nghiệp vụ theo giấy phép đã cấp, những nghiệp vụ không cấm chỉ triển khai khi có sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
"Trước khi Thông tư 04 có hiệu lực từ tháng 3 năm nay, các ngân hàng chỉ thực hiện nghiệp vụ ủy thác gửi tiền khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước", chuyên gia này phân tích.
Theo ông, bản chất của việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền ngân hàng khác là lách quy định để hưởng lãi suất cao hơn. Số tiền này khó hạch toán vào sổ sách vì xuất phát từ lãi suất vượt trần quy định. "Chưa bàn tới quyết định ủy thác đó đúng hay sai, có phải là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất tài sản hay không, nhưng ACB gửi lãi suất vượt trần quy định và đã làm gì với số tiền lãi vượt trần đó mới là câu hỏi đáng quan tâm", ông nói thêm.
Vào thời điểm ACB ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác, trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ là 14%. Một nguồn tin cho hay, mức chênh lệch ngoài hợp đồng gửi của ACB vào khoảng 3-8% một năm. Số tiền gửi hơn 718 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh Hồ Chí Minh cũng đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Thay vì dùng hợp đồng ủy thác, nhiều ngân hàng làm hợp đồng cho nhân viên của mình vay lại tiền đã huy động của dân và đem gửi tiền ở ngân hàng khác kiếm lời. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận tình trạng dùng chiêu ủy thác đầu tư để lách trần lãi suất cũng như thêm lợi nhuận cho ngân hàng khi lượng tiền nhàn rỗi còn nhiều. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô vừa có trụ sở tại Hà Nội nói: "Khi tín dụng khó cho vay, các ngân hàng có thể để nhân viên đi gửi nơi khác dưới tư cách cá nhân, vừa đẩy vốn ra nhanh hơn và lãi cao hơn gửi với tư cách ngân hàng". Vị này cho biết, để lách quy định, thay vì ủy thác cho một cá nhân đi gửi, các ngân hàng sẽ chuyển thành hợp đồng cho chính nhân viên của mình vay lại và người này sẽ mang tiền đi gửi tại ngân hàng khác.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần khác nói thẳng, đây chỉ là "trò chơi" của những ngân hàng lớn, có nhiều tiền dư dả. "Ngân hàng nhỏ, vốn đã huy động được ít tiền thì lấy đâu ra mà đi gửi. Hơn nữa, bản thân mình đã là ngân hàng nhỏ, không uy tín bằng thì khó huy động được mức lãi suất rẻ. Chẳng ai dại lấy tiền huy động của dân mười mấy phần trăm rồi mang đi gửi, có khi phải chịu lãi suất thấp hơn", vị lãnh đạo này phân tích.
Không đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chiêu trò ủy thác không chỉ là cuộc chơi của những ngân hàng lớn, nhà băng nhỏ cũng vẫn có cửa để "lách". Ông giải thích: "Chẳng hạn, họ huy động của dân 11%, nhưng vẫn có thể gửi tiền ở nơi nào trả cho lãi suất 12%-13%. Nguyên nhân là nếu khoản tín dụng đó liên quan tới một số dự án lớn thì ngân hàng kia vẫn sẵn sàng trả lãi suất huy động cao vì lợi nhuận họ thu về lớn hơn".
Lý giải về nguyên nhân các ngân hàng đẩy đồng vốn chạy lòng vòng giữa thị trường 1 (thị trường tiền gửi dân cư) và thị trường 2 (liên ngân hàng), ông Hiếu cho rằng đây là cách để họ "chữa cháy". Khi các ngân hàng huy động rất nhiều thì họ phải tìm được đầu ra khác dù tín dụng không tăng.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc ủy thác này có thể gây rất nhiều hệ lụy, rủi ro. "Việc ủy thác đó không được công khai, cổ đông cũng như người dân khó biết được ngân hàng đang ủy thác dưới hình thức nào, cho các doanh nghiệp vay hay cho vay trên liên ngân hàng hay lại gửi vào thị trường dân cư", ông Hiếu đặt ra câu hỏi.
Chức năng của một ngân hàng thương mại là huy động tiền của dân chúng và cho vay nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trong khi thế giới phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư thì ở Việt Nam, các nhà băng gần như là đa năng.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, khi Luật các Tổ chức tín dụng được thông qua, một trong những sai lầm chết người là xóa bức tường lửa của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Do đó vẫn có sự mập mờ giữa vai trò của hai loại hình ngân hàng này.
Thanh Thanh Lan - Song Linh