Ngày nay, việc thưởng thức ly cà phê ở Sài Gòn trở thành một nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua cách chế biến, thưởng thức. Nét văn hóa này được hình thành khá sớm từ những năm người Pháp đặt chân vào Việt Nam.
Mãi đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều quán cà phê xuất hiện ở thành phố hơn dưới sự quản lý của người Việt. Thức uống đặc biệt lúc này được nhiều người biết đến, quán xá trong nhà có, vỉa hè có. Đến ngày nay, nhiều địa chỉ lâu đời vẫn còn được giữ gìn và phục vụ người dân thành phố muốn tìm hoài niệm về một thời xưa cũ.
Vị đắng của ly đen đá
Cà phê ở Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng ẩn chứa tình yêu thiên nhiên, sự tự tại trong cách thưởng thức. Đây là một nét văn hóa độc đáo góp phần xây dựng bản sắc ẩm thực ở vùng đất này.
Ly cà phê đá là một trong những hình ảnh khó quên đối với nhiều người đang sống hay có thời gian gắn bó với mảnh đất Sài Gòn. Nếu như người lớn tuổi thích vị đắng nguyên chất, thì vài người lại thích có thêm chút sữa để cảm nhận dư vị ngọt ngào.
Có nhiều cách để cho ra một ly cà phê, tùy theo cách chế biến ở mỗi nơi mà hương vị khi uống cũng khác nhau. Vị chuẩn của một ly cà phê khó mà xác định được vì có nhiều cách chế biến khác nhau. Do đó tùy thuộc vào cách sao tẩm, pha trộn các loại hương liệu và quá trình rang xay mà sẽ cho ra hương vị riêng.
Ngày xưa, cà phê khi rang còn cho thêm chút vị bắp, vài giọt nước mắm nhỉ, mẩu bơ nhỏ để tạo vị khác lạ. Ngày nay, nhiều người cho rằng cà phê sạch là phải giữ nguyên vị mà không pha trộn thêm bất kỳ loại hương liệu nào khác. Cách nào cũng được, quan trọng là cách mỗi người thưởng thức và chấp nhận thế nào.
Ngoài ra, cách pha cũng ảnh hưởng một phần đến mùi vị khi uống. Cách truyền thống được nhiều người sử dụng bây giờ là dùng phin. Bên cạnh đó, cách pha dùng chiếc vợt vẫn được nhiều nơi giữ gìn.
Ngày nay, khi thị trường cà phê ngày càng phát triển thì càng có nhiều loại ra đời nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của mọi người. Nếu muồn tìm về ký ức của những ngày xưa, bạn có thể thưởng thức ly cà phê được rót bằng vợt. Khi uống, bạn sẽ cảm nhận rõ được vị riêng.
Đặc biệt, vị cà phê sẽ ngon hơn khi được uống với đá bào mịn hoặc đá được đập nhuyễn chứ không phải đá viên thường thấy. Ngoài ra, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho nước để chế cà phê là một khâu rất quan trọng. Vì ở nhiều nơi, nước có mùi nên sẽ rất dễ làm thay đổi vị của cà phê.
Phong cách uống cà phê của người Sài Gòn
Hai mùa mưa nắng ở mảnh đất này cũng tạo nên một đặc tính riêng trong cách thưởng thức của người dân thành phố. Nếu như ở miền Bắc, uống ly cà phê vào mùa rét là để tìm chút hơi ấm thì mùa hè ở Sài Gòn bạn sẽ bắt gặp ai đó đang đi đường, tạt vào một quầy hay quán nước để mua ly cà phê, uống nhanh một hơi rồi đi. Đây đơn giản là cách thưởng thức khi họ không có thời gian.
Hoặc bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh rất đỗi thân quen vào buổi sáng, những người đàn ông trung niên thường nhấc ghế ngồi trước nhà, gọi một ly cà phê đá hoặc sữa đá và phì phèo đôi ba điếu thuốc. Những câu chuyện hàng ngày trong xóm hay tin tức còn nóng trên tờ báo quen thuộc cùng vị cà phê sẽ làm nên buổi sáng tràn đầy năng lượng. Không biết từ bao giờ, việc nhấm nháp từng ngụm cà phê đắng ấy là cách nhiều người ở đây bắt đầu một ngày mới.
Chia sẻ với VnExpress, anh Trương Phú Thiện, người có 12 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu cà phê cho biết: "Người dân thành phố rất tự hào về ly cà phê. Nó không chỉ gắn liền với ký ức của mỗi người, mà còn thể hiện được nhiều giá trị sâu sắc khi nó bó với chúng ta hơn 100 năm nay. Từ người già đến người trẻ đều tìm đến ly cà phê như một người bạn đặc biệt thú vị và chân thành".
Bất kỳ ai cũng có thể tìm cho mình một loại thức uống yêu thích. Nhưng ly cà phê đá vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với nhiều người. Cạnh âm thanh xe cộ lúc nào cũng náo nhiệt của Sài Gòn, ly cà phê đá vẫn nổi bật cùng những câu chuyện đời cùng tiếng cười giòn tan của lớp trẻ hay khói thuốc bay lên của những người đã có tuổi. Nó vẫn là một "huyền thoại" tồn tại mãi theo thời gian.
Xem thêm: Quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn
Phong Vinh