Len lỏi qua những con hẻm bàn cờ của đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, cà phê vợt Cheo Leo không khó để bắt gặp dù nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống cao vút. Quán thoạt nhìn có vẻ khiêm nhường với những bộ bàn ghế đơn giản. Tuy nhiên, chính không gian có chút xưa cũ cùng âm thanh trữ tình của những bản nhạc phát ra khiến quán trở nên nổi bật trong con hẻm dài.
Theo lời kể của cô Hoa (người con thứ 6 trong gia đình), quán được mở từ năm 1938 do ba má cô đứng bán. Ngày đó, quán là điểm tụ họp của những cô cậu học trò trường Petrus Ký, Chu Văn An. Đây cũng là nơi lui tới của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời ở Sài Gòn.
“Những ngày đầu nhà tui về đây xung quanh đồng không trống trải, nhà cửa thưa thớt với vài ngọn đèn leo lét, nên cha tui đặt tên quán là Cheo Leo”, cô Hoa kể.
Trong suốt hơn 75 năm, hương vị cà phê với cách pha độc đáo từ chiếc vợt vẫn được mọi thành viên trong gia đình giữ nguyên. Mỗi khi khách yêu cầu, cô Hoa lại nhanh tay chắt cà phê từ siêu đất nóng hổi rồi kết hợp với đường sữa để đem ra những ly cà phê thơm ngon. Công việc pha chế nghe tưởng đơn giản nhưng các công đoạn cần nhiều kinh nghiệm mà không phải quán nào cũng có được.
Cô Hoa chia sẻ: “Lửa rất quan trọng khi luộc cà phê. Nếu để lửa lớn quá cà phê sẽ bị kho ra vị chua, còn nhỏ, cà phê sẽ bị nguội, uống vô không còn mùi vị.” Kỹ lưỡng trong từng khâu thực hiện, gia đình cô Hoa còn lựa chọn mua cà phê hạt nguyên chất để xay bán tại nhà. Lò gạch và siêu đất vẫn chưa từng vắng mặt trong không gian pha chế để ủ nóng và giữ độ ẩm cho những mẻ cà phê suốt bao năm qua.
Một ly được pha chế bằng vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng mùi thơm ngào ngạt. Đặc biệt hơn, khi những ngụm cà phê và vị ngọt của đường sữa qua đi, vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm thoảng của từng giọt cà phê vẫn để lại dư vị rất đáng nhớ.
Khách đến quán luôn được cô Sương (người con thứ 2 trong gia đình) niềm nở đón chào. Từng vị khách với những yêu cầu quen thuộc, người thích nhiều sữa, ít cà phê, người thích ít đá, ít đường,...đều được cô ghi nhớ rõ.
Nhớ về kỷ niệm của các vị khách từng ngồi uống cà phê tại đây, cô Sương kể: “Có người uống cà phê nhiều năm chỉ ngồi đúng một chỗ quen thuộc. Nhiều khách hôm nào có chuyện buồn là ra quán ngồi cả ngày".
Trong không gian của những bản nhạc nước ngoài cách đây vài thập kỷ, ông Phúc (55 tuổi, ở quận Bình Thạnh) ngồi lẩm nhẩm theo lời bài hát và nói về những tình cảm gắn bó với nơi này. “Quán như là ngôi nhà quen thuộc của tôi và bạn bè. Bây giờ dù họ không còn ngồi ở đây vì đa phần sang Mỹ định cư, nhưng cảm xúc và không khí gần gũi của quán tôi cảm nhận vẫn luôn như vậy.”
Quán giờ đây có sự chuyển tiếp ký ức giữa những thế hệ xưa và lớp trẻ. Ngày cuối tuần, nhiều thanh niên tìm đến cà phê vợt với mong muốn được nhìn thấy một nét văn hóa sống động của Sài Gòn xưa cũ.
Anh Nam (29 tuổi, quận 8) mỗi sáng đều đến quán thưởng thức cà phê như một thói quen. Anh vui vẻ: “Tới quán có ngày gặp khách quen, có ngày gặp khách lạ, nhưng chỉ cần ngồi vào bàn là mọi người đều dễ dàng bắt chuyện”.
Giữa thanh âm náo nhiệt của cuộc sống Sài Gòn ngày mới, quán dường như vẫn tách biệt với bản nhạc xưa, những người ngồi trầm ngâm bên ly cà phê vợt nhả khói thuốc phì phèo, và tiếng nói cười bên các câu chuyện thường nhật.
Xem thêm: Xe chè đậu 30 năm trong hẻm Sài Gòn
Đức Thành