Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh do chức năng của thành mạch và các van tĩnh mạch bị suy yếu. Máu không thể trở về tim dễ dàng mà bị ứ lại ở các tĩnh mạch chân, tạo nên phản ứng viêm. Đây là một bệnh mạn tính ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch hội Tĩnh Mạch TP HCM, ban đầu, khi chưa có nhiều triệu chứng, bệnh nhân dễ chủ quan, lơ là. Bệnh nếu không nhanh chóng phát hiện điều trị đúng cách dễ tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể gây ra biến chứng như hình thành các cục máu đông, gây thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thể tích và áp lực trong tĩnh mạch sẽ thay đổi khi đi bộ. Ở tư thế đứng yên, bàn chân tiếp xúc với mặt đất sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch. Khi gót chân được nhấc lên cao, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân (đám rối Bejar) sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Sau đó, động tác co cơ cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi. Cứ như thế, dòng máu sẽ chảy về tĩnh mạch cao hơn, rồi về tim.
Sự co cơ khi đi bộ sẽ giúp bơm tĩnh mạch hoạt động hiệu quả. Lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu đo được khi đang vận động tích cực cao hơn rất nhiều so với lúc đứng yên. Từ đó giúp máu được đẩy mạnh về tim, làm giảm tình trạng ứ đọng cũng như áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.
Như vậy việc đi bộ giúp đẩy máu từ hệ tĩnh mạch sâu về tim tốt hơn, làm giảm áp lực của hệ tĩnh mạch nông. Nhờ đó giảm các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng của bệnh suy tĩnh mạch. Hầu hết bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đều cho biết cảm thấy dễ chịu hơn sau một thời gian đi bộ.
Tuy nhiên, người bị bệnh chỉ nên đi bộ ít hơn 10 phút. Nên đi từ từ, không cố sức. Đối với những người đi hành hương, leo núi nên tránh đi bộ quá lâu, nên hạn chế di chuyển dài hoặc chọn ngôi chùa thấp, địa hình bằng phẳng. Khi leo, nên thay đổi tư thế và mang vớ y khoa để du hành bình thường.
Ở bệnh nhân bị suy tĩnh mạch dẫn đến lở loét, làm cho cổ chân không di động được hay cứng khớp cổ chân, đi bộ không có hiệu quả. Người bệnh cần tập vật lý trị liệu để di chuyển được cổ chân thì đi bộ mới mang lại lợi ích thực sự.
Ngoài ra, người có triệu chứng suy tĩnh mạch mà đi bộ làm đau chân, đi một đoạn phải đứng lại, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu xem đau có nguồn gốc từ bệnh lý khác không. Trên thực tế, tình trạng này có thể do nhiều bệnh khác như tắc động mạch, bệnh xương khớp, thần kinh hoặc tình trạng suy tĩnh mạch mạn tính có nguồn gốc từ huyết khối tĩnh mạch cũ, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu...
Thùy An