Mùa nước nổi là thời điểm đẹp nhất trong năm ở miền Tây. Đây không chỉ là mùa săn bắt của người dân mà còn là thời điểm được du khách mong chờ. Dưới đây là những lưu ý quan trọng du khách cần biết trước chuyến đi.
Thời gian diễn ra mùa nước nổi
Mùa nước nổi ở Miền Tây thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, nhưng tùy năm mốc này sẽ đến sớm hoặc muộn hơn. Năm nay nước dâng cao hơn mọi năm nên cá tôm dồi dào, các hoạt động du lịch cũng diễn ra sôi nổi.
Mùa nước nổi ở miền Tây thường rõ nét nhất ở các tỉnh đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long gồm: Vùng Tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang...), vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).
Đi đâu mùa nước nổi
Mỗi tỉnh miền Tây lại có đặc trưng riêng. Tuy nhiên vào mùa nước nổi, bạn nên ghé qua những địa danh nổi tiếng dưới đây.
Rừng tràm Trà Sư ở An Giang là điểm đến được săn đón nhất. Nơi này nổi tiếng với những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn. Mùa nước về, du khách sẽ được ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, lướt nhẹ trên mặt nước phủ kín bèo xanh.
Đi chợ nổi là trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến miền Tây. Những chợ nổi lớn nhất mà du khách nên ghé là Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Ngã Bảy (Hậu Giang), Long Xuyên (An Giang).
Búng Bình Thiên được người dân vùng An Giang gọi là Hồ nước trời vì mặt hồ quanh năm trong xanh, phẳng lặng và không bao giờ cạn nước. Dọc theo bờ Búng Bình Thiên là những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào Chăm theo đạo Hồi, xen lẫn đó là người Việt, người Hoa và người Khmer tạo nên nét văn hóa độc đáo cho vùng sông nước.
Đặc sản mùa nước nổi
Cá linh, cua đồng, bông điên điển, cá chốt, mè vinh, cá bống trứng là những sản vật chỉ có ở miền Tây mùa nước nổi. Nhiều du khách phải chờ cả năm đến thời gian này để có thể thưởng thức những đặc sản miền sông nước.
Nếu muốn tự mình trải nghiệm các hoạt động săn bắt đặc biệt nơi đây, du khách cũng có thể cùng người dân đi giăng lưới bắt cá, chèo thuyền hái điên điển, lội ruộng hái ấu và tự tay chế biến các đặc sản.
Một trải nghiệm khác là gặt lúa ma (lúa trời). Dù nước lũ dâng cao đến đâu, lúa ma cũng có thể vươn lên khỏi mặt nước để sinh trưởng, làm đòng và trổ bông. Để thu hoạch lúa ma, người dân phải chèo xuồng ra khu đất ngập. Một người chống sào, một người điều khiển cần đạp để bông lúa rơi vào khoang thuyền. Lúa ma phải gặt trong đêm, khi trời còn tờ mờ sáng vì khi mặt trời lên lúa sẽ rụng hết xuống nước.
Lưu ý việc đi lại
Nếu không biết bơi, bạn không nên đi ghe, thuyền một mình. Việc đầu tiên bạn phải làm khi đặt chân lên thuyền là mặc áo phao. Một số điểm du lịch nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ còn bắt buộc du khách phải mặc áo phao khi tham quan.
Từ Hà Nội, du khách có thể đáp máy bay đến sân bay Cần Thơ, từ đây tiếp tục di chuyển đến các tỉnh miền Tây. Nếu xuất phát TP HCM, du khách cũng có thể di chuyển bằng xe máy, đường đi khá thuận tiện. Các chuyến xe khách thường xuất phát vào buổi tối, bạn có thể ra bến xe miền Tây trên đường Dương Vương, quận Bình Tân để mua vé.
Lưu ý khác
Thời tiết miền Tây mùa này thi thoảng có mưa, du khách nên chuẩn bị sẵn áo mưa, ô (dù). Bạn nên ưu tiên hành trang gọn nhẹ, dễ di chuyển.
Đi lại trên sông, du khách cũng nên bảo vệ các thiết bị cẩn thận phòng trường hợp bị rơi xuống nước.
Mùa này một số điểm đến miền Tây cũng sẽ có muỗi và côn trùng, du khách nên chuẩn bị sẵn quần áo dài tay hoặc thuốc chống muỗi khi cần.
Nên ăn mặc lịch sự khi đến các điểm tâm linh như chùa, miếu.
Chi phí sinh hoạt ở miền Tây không quá đắt. Trong trường hợp bị động, không tìm được khách sạn hay nhà nghỉ bạn cũng có thể xin tá túc lại nhà người dân.
Người miền Tây thích ăn ngọt, nếu không quen với khẩu vị này, bạn nên nhắc trước đầu bếp để nêm nếm cho vừa miệng.