Cứ vào khoảng tháng 9, 10 hàng năm, người yêu thích đi du lịch lại chờ đón mùa nước nổi ở miền Tây. Dưới đây là một số gợi ý điểm dừng chân cũng như trải nghiệm bạn không nên bỏ qua.
"Check-in" làng nổi Tân Lập
Toạ lạc ở huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An, làng nổi Tân Lập hay còn được gọi là rừng tràm Tân Lập. Nơi đây được nhiều du khách "săn lùng" nhờ có khu rừng tràm rậm rạp, tạo sự kỳ bí khi đi sâu vào bên trong. Nơi đây cũng thích hợp để thoát khỏi thị thành, hoà mình thiên nhiên, cây cối xanh tốt.
Đến đây, bạn có thể thuê thuyền hoặc canô để len lỏi vào cánh rừng hoặc đi bộ trên con đường xi măng xuyên rừng tràm dài nhất Việt Nam. Ngọn tháp có độ cao 38 m là điểm nhấn của làng nổi. Từ trên đỉnh tháp, du khách có dịp thu vào tầm mắt toàn cảnh làng nổi, đó là sự mênh mông, thoáng mát mà ở thành phố bạn ít dịp được thấy.
Đường đến làng nổi Tân Lập khá dễ dàng, khoảng 100 km từ trung tâm TP HCM. Bạn có thể chạy xe máy theo quốc lộ 1A hướng về thành phố Tân An (Long An) khoảng 40 km, sau đó đi tiếp theo quốc lộ 62 về huyện Mộc Hóa khoảng 62 km nữa là đến nơi.
Giá tham quan là 50.000 đồng một người, bao gồm đi thuyền vào bên trong. Nếu chọn canô, giá là 130.000 đồng một người. Chuyến đi thích hợp cho dịp cuối tuần, một hoặc hai ngày. Nếu ở lại và đi theo nhóm, bạn có thể tổ chức cắm trại. Xung quanh có nhiều nhà nghỉ với giá phòng trung bình là 100.000 đồng.
Về Đồng Tháp ăn cơm sen
Đồng Tháp là một trong những điểm dừng chân có nhiều điểm tham quan đặc trưng của mùa nước nổi. Tỉnh nằm đầu nguồn sông Mekong để lại trong lòng du khách ấn tượng về những cánh đồng sen bát ngát. Không chỉ mang lại những bức hình check-in đẹp mắt, đồng sen còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều món ăn hấp dẫn như cơm gói lá sen, gỏi ngó sen...
Cơm gói lá sen ngon phải được nấu từ loại gạo huyết rồng, loại có màu đỏ, hạt nhỏ, trong, thon dài cho hương vị ngon hơn bất kỳ loại gạo nào khác. Món ăn còn có sự kết hợp với hạt sen. Hạt được trộn cùng muối mè, bọc trong lá sen cùng gạo rồi đem hấp chín.
Khi mùi thơm toả ra ngào ngạt cũng là lúc cơm chín. Người ta sẽ mở lá sen ra, ở đó cơm màu đỏ, hạt sen trắng cùng muối mè màu đen nổi bật. Thưởng thức món ăn, bạn sẽ nếm trọn hương vị đặc trưng của hạt sen, của thứ gạo quý cùng vị bùi của muối mè. Chậm rãi nhai kỹ, bạn còn cảm nhận được vị ngọt bùi và mùi thơm phảng phất.
Trong các lịch trình đi từ TP HCM, du khách thường ghé Sa Đéc trước, nơi có làng hoa trăm tuổi nổi tiếng. Sau đó, bạn có thể tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, xây dựng từ năm 1895 của thương gia người Hoa, nhân vật trong tiểu thuyết "Người tình" nổi tiếng của nữ văn sĩ Marguerite Duras (Pháp).
Ngắm chim di cư ở Tràm Chim
Cũng ở Đồng Tháp, vườn quốc gia Tràm Chim là một trong số những điểm đến luôn nằm trong danh sách phải ghé khi đến miền Tây dịp này. Vườn thuộc huyện Tam Nông, bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng tràm và các loại động thực vật quý hiếm.
Du khách đến đây có thể thuê tắc ráng để khám phá với giá dao động từ 500.000 đồng một xuồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua tour hướng dẫn tham quan trong 1 - 3 giờ. Hướng dẫn viên sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin về hệ sinh thái của vườn, các loài chim cũng như thời điểm chim làm tổ.
Buổi chiều, bạn có thể tìm một vị trí thoáng rồi ngắm ánh hoàng hôn dịu nhẹ buông, trong lúc đó, những đàn chim tấp nập bay về tổ. Tối đến, bạn có thể thử giăng câu như một nông dân miệt vườn thứ thiệt.
Khám phá rừng tràm Trà Sư
Tuyến tham quan ở rừng tràm Trà Sư, An Giang có thể nói là tuyến đặc trưng nhất bởi đây là vùng đón nước lũ về nhiều nhất miền Tây. Du khách có thể dễ dàng đi Châu Đốc bằng xe máy hoặc ôtô, khoảng cách di chuyển là 250 km.
Trà Sư cách Châu Đốc khoảng 30 km, khu rừng có diện tích gần 850 ha. Giá tham quan từ 45.000 đồng một người, tuỳ theo khách đoàn hoặc đi lẻ. Chiếc thuyền ba lá sẽ rẽ nước đưa bạn vào các khu vực đẹp nhất của vùng. Tại đây, bạn có thể đưa tay chạm vào những mảng bèo xanh mướt. Buổi sáng sớm là thời điểm có bèo nhiều.
Bạn có thể tiếp tục hành trình của mình ở Châu Đốc bằng việc khám phá cuộc sống của người dân nơi đây. Châu Đốc vốn nổi tiếng là nơi sinh sống đông đúc của cộng đồng người Khmer và Chăm. Nhiều thánh đường Hồi giáo hay nhà sàn đặc trưng văn hoá Chăm sẽ khiến bạn thích thú.
Người thích khám phá ẩm thực có thể dậy sớm rồi đi chợ, thưởng thức món bún cá, bún num prohoc hay hủ tiếu Nam Vang. Bạn cũng có thể chạy xa hơn để thăm miếu Bà Chúa Xứ núi Sam hay làng Châu Giang. Các làng làm dệt hay bánh bông lan truyền thống cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm.
Ăn sáng trên chợ nổi Cái Răng
Cần Thơ là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất phía Nam. Mặc cho tốc độ kinh tế phát triển nhanh, “Tây Đô” vẫn giữ lại những nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước.
Chợ nổi là đặc sản của miền Tây. Nếu đến Cần Thơ mà bạn chưa đi chợ nổi Cái Răng thì đó thật sự là thiếu sót lớn. Chợ thường hoạt động từ mờ sáng nên bạn phải dậy sớm nếu muốn tận hưởng trọn vẹn không khí nhộn nhịp trên chợ. Thời gian lý tưởng nhất để đi chợ nổi là khoảng 5h - 7h.
Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố khoảng 6 km. Bạn có thể đến đây bằng đường thuỷ hoặc đường bộ. Chợ nằm gần cầu Cái Răng, người dân ở đây ai cũng biết khu chợ nổi tiếng này nên bạn có thể hỏi về việc đi lại.
Du khách thường ra bến tàu, mua vé, lên một chiếc ghe để đi dạo khu chợ trên sông nổi tiếng bậc nhất Cần Thơ. Nếu đi nhóm đông, bạn nên thuê nguyên thuyền, giá khoảng 350.000 - 400.000 đồng. Nếu đi lẻ, bạn có thể mua vé lẻ, giá khoảng 30.000 đồng mỗi người.
Ngoài trái cây, rau quả, nhiều thuyền nhỏ còn bán cả đồ ăn sáng, nước uống, đồ ăn vặt để phục vụ thương hồ và du khách. Thưởng thức một tô hủ tiếu nóng hổi, ngút khói trên chiếc xuồng ba lá đang dập dềnh trên mặt nước, bốn bề là cảnh mua bán tấp nập là trải nghiệm không thể quên với du khách.
Chợ bắt đầu vãn người vào khoảng 9 giờ sáng. Lúc này du khách có thể quay về đất liền và khám phá tiếp những điểm đến hấp dẫn khác của xứ Tây Đô.
Phong Vinh