Dự thảo nghị định quy định tiền lương tối thiểu đang được lấy ý kiến bộ ngành, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7. Lần đầu tiên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan xây dựng dự thảo, đưa ra mức lương tối thiểu giờ, dao động 15.600 tới 22.500 đồng, tương ứng với bốn vùng. Đây là loại lương tối thiểu mới, nhằm triển khai Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ đầu năm 2021.
Mục đích của lương tối thiểu giờ là mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm lao động làm công việc linh hoạt, không trọn thời gian trong các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê... Cách tính được quy đổi theo lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn. Bộ Lao động giải thích phương pháp này tránh gây xáo trộn về việc trả lương cho người lao động, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Trên thực tế, lương tối thiểu giờ đã được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2012 (thi hành từ năm 2013, hiện hết hiệu lực). Điều 91 Bộ luật quy định "lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và xác lập theo vùng, ngành". Tới Bộ luật Lao động 2019, lương tối thiểu ngành bị bỏ, chỉ còn xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Song các văn bản điều chỉnh lương hàng năm mới quy định cụ thể về lương tối thiểu tháng mà không có lương tối thiểu giờ.
Dù luật năm 2012 đã đưa vào, 10 năm qua vẫn chưa có quy định cụ thể thực hiện lương tối thiểu giờ ra sao. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết ban đầu khi lương tối thiểu giờ được đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động năm 2012 đã có những băn khoăn về việc chưa có cơ sở nghiên cứu về cách tính thế nào cho phù hợp với Việt Nam. Song luồng ý kiến khác cho rằng cần đưa vào vì thế giới đã thực hiện từ lâu.
Mục tiêu thời điểm ấy là sẽ nghiên cứu dần để tách lương giờ khỏi lương tháng, tiến tới áp dụng loại hình này. Trong khi thế giới phần lớn áp dụng lương tối thiểu giờ, Việt Nam vẫn chưa nghiên cứu mô hình, cách tính cụ thể. Theo ông Huân, lý tưởng nhất là dựa trên nhu cầu sống và mặt bằng tiền công của người lao động, cộng hệ số không cố định vì tính chất công việc không thường xuyên.
5 năm điều hành các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Huân cho biết đàm phán chủ yếu tập trung điều chỉnh nâng lương tối thiểu tháng, áp dụng cho khu vực chính thức và có hợp đồng lao động. Bởi lương còn khá thấp, năm 2013 - thời điểm Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực, lương tối thiểu vùng sau điều chỉnh chỉ dao động 1,65-2,35 triệu đồng nên phải nâng dần lên. Ngược lại khu vực phi chính thức, làm việc bán thời gian vẫn thả nổi để cho thị trường điều chỉnh, các bên thương lượng.
Đại dịch tác động khiến một phần lao động dịch chuyển từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Ông Huân cho rằng để tăng độ phủ an sinh, bảo vệ lao động làm theo giờ, việc áp dụng lương tối thiểu giờ là hợp lý. Song trước tiên cần xác định rõ lấy lương tối thiểu tháng hay lương tối thiểu giờ làm nền, từ đó có những nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thị trường lao động rồi mới đưa ra công thức tính, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
"Cách quy đổi tương đương từ lương tháng sang giờ như đề xuất không có nhiều ý nghĩa, làm cho tiền lương tối thiểu bị thấp đi", ông đánh giá.
Hai kỳ liên tiếp dự họp các phiên đàm phán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch tác động tiêu cực khiến việc tăng lương tối thiểu bị trì hoãn tới hai năm, vì thế lương tối thiểu giờ mới được bàn thảo trong hai phiên gần nhất. Cách tính chỉ là quy đổi tương đương từ lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc.
Khi Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đưa ra cách tính này, phía Tổng liên đoàn không đồng tình, cho rằng lương tối thiểu tháng đã ở mức rất thấp nên quy đổi sẽ kéo lương giờ cũng thấp theo. Người làm việc hưởng lương theo giờ thiệt thòi hơn so với hưởng lương tháng vì không được hưởng các chế độ nghỉ phép, ốm đau, bảo hiểm xã hội, y tế, phụ cấp. Chủ sử dụng chỉ cần trả cho họ "một cục" và không có ràng buộc thêm trách nhiệm gì.
Đại diện công đoàn lo ngại việc quy đổi tương đương có thể khiến việc trả lương bị "dịch chuyển" từ theo tháng sang giờ để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Quy định lao động hưởng lương tháng làm việc 8 tiếng mỗi ngày, doanh nghiệp có thể tuyển người làm việc 7 tiếng và trả lương theo giờ, không phải chịu thêm các chi phí khác như trả lương theo tháng.
Sau quá trình thảo luận, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất quy đổi tương đương như dự thảo đề xuất để ít gây ra sự xáo trộn về việc trả lương. Tuy nhiên, bà Lan vẫn bảo lưu quan điểm cần cộng thêm hệ số K ít nhất 10% nếu quy đổi tương đương từ lương tháng. "Giả sử trong trường hợp tính thêm, cộng với lương tối thiểu giờ tiêu chuẩn cũng chỉ dao động trên mức 17.000 đồng đến gần 25.000 đồng, vẫn rất thấp", bà trăn trở.
Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022. Nếu được thông qua, lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Trên cơ sở này, lương tối thiểu theo giờ được đề xuất áp dụng tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.
Báo cáo của ILO tại Việt Nam năm 2018, Việt Nam có khoảng 23,5 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó 18,4 triệu người làm việc ở khu vực tư nhân và FDI, nhưng chỉ 9 triệu người có hợp đồng lao động. Mức lương trung bình hàng tháng của người lao động làm công hưởng lương khoảng 5,8 triệu đồng. Nếu chia tiền lương hàng tháng cho số giờ làm việc, lương mỗi giờ dao động khoảng 28.500 đồng. Ở khu vực tư nhân và FDI, người lao động có hợp đồng nhận mức lương cao hơn, lương trung bình tháng và lương theo giờ của nhóm này lần lượt 6,7 triệu và 31.400 đồng.
Hồng Chiêu