Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 20/5 bắt đầu lấy ý kiến bộ ngành về dự thảo nghị định quy định tiền lương tối thiểu, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7. Ngoài đề xuất mức tăng 6% với lương tối thiểu tháng, lần đầu tiên Bộ áp dụng lương tối thiểu giờ, dao động 15.600 tới 22.500 đồng.
Mức đề xuất trên được tính bằng cách dùng lương tối thiểu tháng áp dụng với từng vùng chia cho số giờ làm việc quy định trong tháng (26 ngày mỗi tháng, 8 tiếng mỗi ngày). Đây là mức lương thấp nhất làm cơ sở thỏa thuận đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, mục đích mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm lao động làm công việc linh hoạt, bán thời gian.
Theo quy định, chính sách phải thực hiện từ ngày 1/1/2021 - thời điểm Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực. Song do đại dịch, tiền lương tối thiểu hơn hai năm chưa điều chỉnh nên việc áp dụng quy định này phải lùi lại.
Ủng hộ cách tính lương tối thiểu theo giờ, tuy nhiên TS Nguyễn Việt Cường, Viện phó Nghiên cứu Phát triển Mekong, nhận định lương tối thiểu giờ cao nhất 22.500 đồng là mức thấp so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Tùy vào công việc, lao động làm theo giờ được trả lương khác nhau, song với những việc chân tay, giúp việc theo giờ còn cao hơn 2-3 lần; lao động bán thời gian, phục vụ trong các nhà hàng... có thể tương đương mức trên.
"Thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh trên cơ sở hai bên tự thỏa thuận với nhau", ông nhấn mạnh, phân tích có những ngành nghề chủ sử dụng muốn ép lương thấp cũng không được vì trả không hợp lý thì không có người làm. Ngược lại có công việc không quy định lương tối thiểu thì vẫn trả thấp hơn mức trên. Nếu làm thêm giờ, trên 8 tiếng mỗi ngày thì phải thực hiện theo Bộ luật Lao động.
Về công thức tính, TS Cường cho rằng bước đầu thực hiện lương tối thiểu giờ thì cách tính Bộ Lao động đưa ra là phù hợp, đỡ xáo trộn khi lấy lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn. Bởi không thể có mức lương hoàn hảo đáp được mong muốn của tất cả người lao động mà còn phụ thuộc vào thị trường, cung cầu, năng lực, tay nghề...
Phần lớn các nước từ lâu đã áp dụng lương tối thiểu giờ và có hai cách tính hoặc xây dựng ngay từ đầu dựa trên mức sống, hoặc chia bình quân từ lương tối thiểu tháng cho số giờ làm việc. Hội đồng Tiền lương quốc gia khi họp bàn cũng đã tính toán đến các phương án. Song sau hai năm xáo trộn vì đại dịch, các phiên họp chủ yếu vẫn là đàm phán, thống nhất về mức lương tối thiểu tháng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội, đánh giá lương tối thiểu giờ là "giá đỡ quyền lợi" cho lao động làm việc không trọn thời gian. Các nước từ lâu đã không dùng lương tối thiểu tháng mà phần lớn áp dụng theo giờ, chủ yếu thông qua thương lượng và điều chỉnh theo chỉ số giá sinh hoạt cùng một số yếu tố khác. Việt Nam lần đầu tiên áp dụng loại hình lương này, dù đã được nêu trong hai bộ luật lao động các năm 2012 và 2019.
Theo bà, cách tính toán như đề xuất có phần đơn giản và làm cho giá trị của tiền lương tối thiểu giờ bị thấp đi. Lương tối thiểu tháng hiện trả cho lao động chỉ là phần thực lĩnh, còn phần bị "che khuất" là tiền đóng BHXH, chi phí phát triển nhân lực, bảo hộ... Nếu tính lương tối thiểu theo giờ thì phải cộng thêm tất cả chi phí này, bởi lao động bán thời gian thường không được hưởng hết các chế độ.
"Mức tăng thêm khoảng 1,3 đến 1,7 lần (trên 30.000 đồng) so với đề xuất mới đủ", bà nhấn mạnh.
Nếu tính theo công thức này thì những năm sau phải điều chỉnh theo đà tăng của lương tối thiểu tháng. Song đây là mức thấp nhất để hai bên tự thương lượng, mặc cả với nhau nếu làm theo giờ. Tùy vào đặc thù nghề nghiệp, lao động có thể được trả lương cao hơn nhiều. Cũng không thể đòi hỏi quá cao khi mà doanh nghiệp cần ổn định chi phí, giữ việc làm cho người lao động.
Không bình luận mức đề xuất cao hay thấp, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng cách chia cơ học như dự thảo đề xuất "không có nhiều ý nghĩa" khi chưa đưa ra được cơ sở xác định mức lương tối thiểu giờ, như cung cầu lao động, tình hình doanh nghiệp, đánh giá tác động của chính sách này.
Theo ông Huân, lương tối thiểu giờ ở các nước thường được tính cao hơn lương tối thiểu tháng, bởi tính chất công việc không ổn định. Nếu tính "máy móc" bằng cách lấy lương tối thiểu tháng chia theo ngày, giờ làm việc sẽ thiệt thòi cho bộ phận lao động làm việc bán thời gian vì họ ít được hưởng phúc lợi, thậm chí không được đóng BHXH.
"Việt Nam phần lớn đang áp dụng lương tối thiểu tháng, nếu đã bắt đầu thực hiện theo giờ thì về lâu dài nên lấy loại hình này làm gốc để xác định lại mặt bằng tiền lương", ông nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, cũng cho rằng mức đề xuất như trên là thấp. Lương trả theo giờ hiện chủ yếu áp dụng với một số ngành đặc thù, như năng lượng, năng lượng mặt trời... Mức lương tùy hai bên thỏa thuận, song không thấp hơn lương tối thiểu tháng và thường "cao hơn nhiều so với mức đề xuất", bởi đặc thù ngành nghề và trong trường hợp này doanh nghiệp đỡ được các chi phí.
Theo ông Huế, lương tối thiểu theo giờ cần được tính toán mức hợp lý bởi lao động thời vụ thiệt thòi, không được hưởng các chế độ phúc lợi như lao động hưởng lương theo tháng. Địa phương này hiện không khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ, bởi công việc không ổn định và tiền lương, chế độ quá thấp.
Dự thảo đang được lấy ý kiến 29 hiệp hội, bộ ngành từ nay đến 5/6 để trình Thủ tướng ban hành, thực hiện từ ngày 1/7.
4 vùng áp dụng lương tối thiểu hiện hành
Hồng Chiêu