Có câu: "Không làm chủ được tài chính cá nhân là không làm chủ được cuộc sống". Trong bối cảnh nền kinh tế biến động không ngừng, việc quản lý tài chính cá nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt với những ai có thu nhập biến động lớn. Bạn có thể kiếm 30-500 triệu đồng mỗi tháng, nhưng nếu không biết cách quản lý và đầu tư đúng đắn sẽ dễ bỏ lỡ nhiều cơ hội tài chính tốt.
Đánh giá tổng quan về tình hình tài chính
Trước tiên, tôi muốn đánh giá về thu nhập. Bạn có một công việc với thu nhập biến động lớn và bản thân không thể đầu tư trực tiếp do không có thời gian hoặc kiến thức chuyên sâu. Việc không tận dụng tốt nguồn vốn từ thu nhập này sẽ dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Một khảo sát của McKinsey năm 2023 chỉ ra rằng những người có thu nhập biến động thường bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư sinh lời cao nếu không được tư vấn và hướng dẫn đầy đủ. Tôi nhận thấy bạn vẫn tiếp tục theo đuổi công việc này trong nhiều năm sắp tới và vì công việc của bạn phụ thuộc vào doanh số, nên việc gắn bó trong nhiều năm có thể gia tăng thu nhập. Bởi khi đó bạn đã có uy tín và thương hiệu trong lĩnh vực này.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá tỷ lệ chi phí hàng tháng so với thu nhập. Bạn hiện sống cùng gia đình, không có người phụ thuộc và chi phí hàng tháng chiếm tỷ lệ nhỏ so với thu nhập. Giả sử chi phí hàng tháng của bạn là 10 triệu đồng, tỷ lệ chi phí so với thu nhập tối thiểu (30 triệu đồng) là 33% và so với thu nhập tối đa (500 triệu đồng) là 2,2%. Điều này cho thấy bạn có dư dả tài chính để đầu tư và tiết kiệm, tạo cơ hội tốt để tích lũy tài sản dài hạn.
Theo một báo cáo của Vietcombank, tỷ lệ chi tiêu dưới 30% thu nhập là dấu hiệu của quản lý tài chính cá nhân tốt. Với mức thu nhập của bạn, việc duy trì chi phí hàng tháng ở mức thấp sẽ giúp tích lũy vốn nhanh chóng để đầu tư vào các kênh sinh lời cao hơn.
Thứ ba, chúng ta cùng đánh giá hiệu quả đầu tư chứng khoán từ năm 2021 đến nay. Bạn đã từng đầu tư vào một giai đoạn "thăng hoa" của thị trường sau đó sụt giảm mạnh vào năm 2022. Giai đoạn này, chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào dòng tiền rẻ và niềm tin vào sự hồi phục kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm do áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận từ chứng khoán chưa đáp ứng được mong muốn của bạn khiến bạn e ngại rót vốn mạnh hơn. Để đầu tư hiệu quả hơn, bạn cần có một chiến lược dài hạn và kiên định, đồng thời xem xét việc tham gia các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Theo báo cáo của một công ty chứng khoán lớn tại Việt Nam, VN-Index đã giảm gần 20% trong năm 2022 do các yếu tố vĩ mô và biến động thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thường có xu hướng hồi phục và tăng trưởng trở lại. Việc đầu tư dài hạn và kiên định sẽ giúp bạn vượt qua những biến động ngắn hạn.
Thứ tư, bạn cũng nên đánh giá tình hình đầu tư bất động sản. Đầu năm 2024, bạn đã mua một mảnh đất tại quận 9 với giá 6,6 tỷ đồng. Dù không rõ diện tích và vị trí cụ thể, nhưng thị trường bất động sản đã "đóng băng" phân khúc này thời gian qua và đang có dấu hiệu ấm lại, nên tôi kỳ vọng mức giá của bất động sản bạn sở hữu nằm ở một vùng giá mua thực sự tốt và có thể đầu tư dài hạn.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản tại các quận ven TP HCM như quận 9 đã bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian dài đóng băng. Đầu tư vào bất động sản ở thời điểm này có thể mang lại lợi nhuận tốt trong tương lai.
Thứ năm, tôi muốn bàn về tình hình tối ưu thuế thu nhập cá nhân. Dù bạn không đưa thông tin quá chi tiết, với nguồn thu nhập 30-500 triệu đồng hàng tháng, việc có những chuyên gia về thuế hoặc chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân sẽ giúp bạn tối ưu dòng thu nhập của mình tốt hơn. Tôi có thể gợi ý bạn 3 cách cơ bản gồm khai giảm trừ gia cảnh, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc các quỹ hưu trí tự nguyện để tối ưu thuế. Tuy nhiên, đây chỉ là những cách cơ bản, bạn nên tìm hiểu thêm để phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Khuyến nghị về đầu tư
Lời khuyên đầu tiên là bạn nên tối ưu tiền mặt và quỹ dự phòng. Bạn hiện có 16 tỷ đồng tiền mặt, trong đó có 1 tỷ gửi kỳ hạn dài để xử lý các trường hợp bất ngờ. Mặc dù gửi kỳ hạn dài là một biện pháp an toàn, quỹ dự phòng nên có tính thanh khoản cao để dễ dàng rút tiền khi cần. Bạn nên phân bổ quỹ dự phòng theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50 với kỳ hạn ngắn hơn từ 1 đến 6 tháng. Quỹ dự phòng nên tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt tối thiểu. Theo số liệu bạn cung cấp, quỹ dự phòng của bạn đang vượt qua định mức thông thường, bạn có thể điều chỉnh phù hợp.
Tôi cũng khuyến nghị bạn nên xây dựng phương án bảo vệ bản thân và tài sản. Trước khi đầu tư lớn, bạn cần đảm bảo phòng vệ cho tài sản, đặc biệt là bảo vệ chính bản thân. Bạn nên dành 5-8% thu nhập cho các loại bảo hiểm như bảo hiểm y tế nhà nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Điều này sẽ tạo ra một tấm đệm bảo vệ, giảm thiểu rủi ro từ các biến cố bất ngờ.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, việc sở hữu bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính cá nhân lên đến 70% khi gặp phải các sự cố bất ngờ như bệnh tật hoặc tai nạn. Quá trình chăm sóc khách hàng thực tế, tôi nhận thấy một người bình thường rất khó sắp xếp và hiểu được các loại bảo hiểm từ bảo hiểm của nhà nước đến bảo hiểm tư nhân, trong đó đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ. Lời khuyên của tôi là bạn cần sắp xếp các loại bảo hiểm này hợp lý và tối ưu nhất, nên tham vấn từ chuyên gia về vấn đề này bởi bảo hiểm hiện tại không chỉ mang tính chất bảo vệ mà còn đảm bảo một phần về yếu tố đầu tư.
Hiện tại, danh mục của bạn là khoảng 16 tỷ đồng tiền mặt, một tỷ mua chứng khoán và một lô đất trị giá 6,6 tỷ. Tài sản đầu tư tổng cộng là 23,6 tỷ đồng. Để ra quyết định đầu tư hiệu quả, tôi khuyến nghị bạn như sau.
Đầu tiên, về mặt chu kỳ kinh tế, tình hình nhân khẩu học và năng lực chịu đựng rủi ro của bạn, tôi khuyên nên thực hiện đầu tư hướng đến tăng trưởng với biên lợi nhuận dao động từ 8-15% mỗi năm.
Từ đánh giá trên, tỷ lệ phân bổ tài sản bạn nên tập trung vào tài sản có tính tăng trưởng cao với tỷ lệ 50-70%. Bạn nên tham khảo về các kênh đầu tư này và đảm bảo các kênh đầu tư đều có tính pháp lý và có sự tham vấn của chuyên gia. Dưới đây là một số khuyến nghị cơ bản.
Bạn có thể đầu tư cổ phiếu với tỷ lệ phân bổ tài sản 20-40%. Chiến lược là tích sản cổ phiếu đều đặn và bền bỉ để hưởng phần lợi nhuận chênh lệch giá và cổ tức. Tuy nhiên cần lưu ý rủi ro trên thị trường này khá cao. Bạn nên xây dựng một kế hoạch đầu tư rõ ràng trước khi bắt đầu và tham vấn từ chuyên gia. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể lựa chọn ủy thác đầu tư thông qua các quỹ mở hoặc quỹ chỉ số ETF một cách đều đặn.
Song song đó, đầu tư bất động sản cũng là lựa chọn hợp lý với tỷ lệ phân bổ tài sản 20-40%. Theo thống kê của FIDT, tỷ suất sinh lời từ việc cho thuê khoảng 3-4% giá trị lô đất, tỷ suất sinh lời trên giá vốn từ 6,5-7,5%. Nếu hiện tại đầu tư, cần xây và cho thuê cũng sẽ tốn thêm một khoản chi phí và chưa phù hợp với mong muốn tối ưu thời gian của bạn. Thị trường bất động sản đang ấm dần vào năm 2024, phù hợp với mong muốn đầu tư an nhàn hiệu quả. Do đó, tôi đề xuất mua đất nền vùng ven các thành phố lớn để đầu tư và tích lũy. Tỷ suất sinh lời dự kiến khoảng 10- 15% mỗi năm.
Tôi không khuyến nghị đầu tư vào tài sản kỹ thuật số do chưa đảm bảo tính pháp lý theo pháp luật Việt Nam. Bạn có thể lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi và một số hình thức khác, nên được phân bổ một tỷ lệ vừa phải dưới 10% cho mỗi kênh.
Việc đầu tư luôn đòi hỏi sự hiểu biết và cẩn trọng. Để đạt được mục tiêu tài chính, bạn nên thường xuyên cập nhật thông tin, điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp và luôn có sự tham vấn từ các chuyên gia tài chính. Theo báo cáo của PwC, một danh mục đầu tư đa dạng và được quản lý chuyên nghiệp có thể tăng tỷ suất lợi nhuận lên đến 12% so với việc tự quản lý. Việc tìm đến các chuyên gia tài chính sẽ giúp bạn tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Tóm lại, việc quản lý tài chính cá nhân đặc biệt quan trọng đối với những người có thu nhập biến động lớn. Bằng cách thiết lập quỹ dự phòng, bảo vệ tài sản và đầu tư một cách thông minh, bạn có thể tận dụng tối đa nguồn thu nhập và đạt mục tiêu tài chính dài hạn.
Trần Mạnh Hoàng Việt
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT