Hôm 5/6, Bộ Lao động Nhật Bản cho biết lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 25 liên tiếp số liệu này đi xuống. Dù vậy, mức giảm cũng đã chậm lại so với 2,1% hồi tháng 3.
Chuỗi giảm 25 tháng lần này cũng là dài kỷ lục với Nhật Bản. Kỷ lục cũ là 23 tháng trong giai đoạn 2007-2009, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hàng triệu người thất nghiệp.
Lần này, lý do là lạm phát tăng nhanh hơn lương. Lạm phát tại đây hồi tháng 4 là 2,2%.
Lương danh nghĩa (chưa điều chỉnh theo lạm phát) tăng 2,1% trong tháng 4, lên gần 297.000 yen (1.900 USD). Mức tăng này cao hơn tháng 3 và cũng là cao nhất 10 năm. Dù vậy, lương làm thêm lại giảm 0,6% so với năm ngoái.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang theo sát số liệu tăng trưởng lương. Đây là yếu tố họ cần cân nhắc nếu muốn bình thường hóa lãi suất. Hồi tháng 3, cơ quan này nâng lãi lần đầu tiên kể từ năm 2007. Dù vậy, BOJ được dự báo giữ nguyên chính sách trong phiên họp giữa tháng này.
Đầu năm nay, các công ty lớn tại Nhật Bản đã chấp thuận tăng hơn 5% lương tháng cho người lao động. Đây là mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ. Bộ Lao động Nhật Bản kỳ vọng mức tăng này cũng sẽ sớm được áp dụng tại các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Dù vậy, mức tăng lương của người dân vẫn thấp hơn chi phí sinh hoạt, cho thấy thách thức mà giới chức phải đối mặt. Một số nhà kinh tế học dự báo lương thực tế của người Nhật sẽ tăng trở lại trong tài khóa này.
Năm ngoái, lạm phát của nước này là 3,1%, cao nhất kể từ năm 1982. Nguyên nhân chủ yếu là giá thực phẩm tăng cao và đồng yen yếu, khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn. Hơn 2 năm qua, lạm phát Nhật Bản đều cao hơn mục tiêu 2% của BOJ.
Hà Thu (theo Reuters)